Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Làm gì trong 1 tháng ôn thi Đại học?

Chào tất cả các em,

Trong thời gian này đây chắc các em đang "mài dao - rèn giũa" để chuẩn bị cho 2 kỳ thi quan trọng trong cuộc đời học sinh đó là Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng sắp tới.
Lời đầu tiên anh muốn chúc tất cả các em có được một sức khỏe tốt, tinh thần dâng cao và có được sự may mắn trong 2 kỳ thi sắp tới.
Blog này anh muốn chia sẻ tới tất cả các em các vấn đề liên quan tới ôn thi Đại học - Cao đẳng bằng những bài học kinh nghiệm mà anh đã trải qua. Mỗi người có một phương pháp học riêng anh không khuyên tất cả các em phải học theo những gì anh nói. Có rất nhiều bài viết trên Internet nói về kinh nghiệm ôn thi của những thủ khoa,... nhưng anh đọc thì thấy những điều mà báo chí viết về họ nó khá chung chung, không chi tiết và ít trong chúng ta phù hợp. Phương pháp họ học khác vì họ có sức bật khác mình (anh lấy ví dụ những thủ khoa 30 điểm hầu hết họ đã bắt tay vào ôn thi Đại học một cách nghiêm túc từ lúc vào lớp 10 hoặc họ rất suất sắc và tập trung trong quá trình học ôn thi ở 12, chứ hiếm ai mà ôn thi trong thời gian ngắn mà lại thủ khoa hay cao điểm cả). Về sau anh sẽ viết bài cho các em có được cái nhìn rõ hơn để tiếp cận với quá trình ôn thi ĐH. Ở bài này anh nghĩ những gì anh đã trải qua trong thời gian ôn thi ĐH - CĐ trước đây nó có những hiệu quả nhất định giúp cho anh có kết quả thi ĐH kha khá (tất nhiên nếu thực hiện triệt để hơn thì kết quả đó chắc chắn sẽ tốt hơn). Vừa rồi anh có dạy ôn thi Đại học cho một bạn (thi Toán khối A và D), bạn ấy vận dụng những lời khuyên và tỏ ra có tiến bộ rõ rệt :)) Các em nên nhớ đừng tự cho mình là người thông minh, cũng đừng tự cho mình là ngu dốt. Tất cả là sự kiên trì, phấn đấu không mệt mỏi, miệt mài với sách vở thì chúng ta mới có thể kiếm được "tấm vé" vào ĐH, vào đấy các em còn phải tự mình xin nhiều "tấm vé" nữa. Hãy cứ nghĩ, cứ đặt ra rồi hành động thôi!
Do hiện tại anh không có nhiều thời gian nên bài viết này anh sẽ chỉ tập trung chia sẻ về việc ôn thi Đại học trong thời gian 1 tháng còn lại (tất nhiên anh nghĩ đó là một điều tuyệt vời nếu các em làm quen chúng từ lớp 10). Chúng ta nên làm gì trong giai đoạn này. Hy vọng với chút kinh nghiệm đã qua và thực tại anh có được phần nào sẽ giúp được các em có được kết quả tốt nhất. Ở blog tiếp theo anh sẽ dành thời gian nhiều hơn để chia sẻ tới các em quá trình chuẩn bị cho nhiều giai đoạn tiến tới việc quyết định thi vào các trường Đại học - Cao đẳng (từ THCS - THPT - ĐH).
Có thể sẽ dài nhưng sẽ không phí cho nhưng em đang tìm hỏi kinh nghiệm ôn thi trên mạng, anh thấy khá nhiều. Thậm chí trước lúc đi thi còn hỏi vào phòng thi em phải làm gì để giữ bình tĩnh, etc?

Trước khi bắt đầu anh muốn các em hiểu rằng chúng ta đang bàn kế giống như chuẩn bị một trận đánh lớn. Cần phải đầu tư không chỉ về mặt thời gian, sức lực mà còn cả tiền bạc. Kế hoạch phải thật tỉ mỉ, càng chi tiết càng tốt. Các em nên nhớ câu này "Đánh chắc thắng chắc, đánh nhanh thắng nhanh" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ý nghĩa nó thì dễ hiểu, chắc anh không cần nói nhiều. Câu nói này anh nghĩ tất cả chúng ta phải dùng nhiều trong cuộc sống. Học đến đâu chắc đến đấy, tập thói quen việc học tập hay lĩnh hội một kiến thức gì đó, có thể chỉ cần thời gian ngắn nếu chúng ta tập trung thì vẫn hoàn thành tốt. Không nên xoay quanh một vấn đề mà nó quá khó, hoặc ít liên quan đỡ mất thời gian.
Yêu cầu các em phải thực sự nghiêm túc với bản thân mình. Dù trong điều kiện hoàn cảnh (gia đình hay bản thân,... ) thì các em cố gắng làm tốt nhất có thể nhé.

Đi vào nội dung chính anh sẽ trao đổi với các em một số vấn đề sau:
1. Các em cần làm ngay những cái gì?
Đầu tiên anh nghĩ đó là tinh thân làm việc. Khía cạnh thứ nhất là về bản thân. Nó có hàm ý gì? Ý muốn nói ở đây đó là lòng quyết tâm, kiên trì, dám vượt qua thử thách. Các em đã xuất sắc vượt qua vòng 1 (kỳ thi Tốt nghiệp THPT), bây giờ hãy dốc toàn bộ sức lực để đánh trận cuối. Thành công đang chờ đợi các em, cánh cửa Đại học sẽ luôn mở cho những ai có đủ kiên trì và tinh thần hăng say, học tập không ngừng. Có quá nhiều sách, nhiều người nói về thành công, chỉ cho cách đi tới thành công nhưng quan trọng tất cả là ở chúng ta thôi các em à.
Thứ hai anh muốn nói tới gia đình và người thân của các em. Hãy ngồi lại và trao đổi với họ, nói rõ lên tình thần, thái độ của mình. Không phải bố mẹ, anh chị nào cũng hiểu và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho mình ôn thi khi mà chúng ta chưa trao đổi rõ ràng. Anh lấy ví dụ: Số đông các em cũng xuất phát từ nông thôn (anh không phải là ngoại lệ), con người ta gắn với đồng ruộng, bố mẹ phải lao động nắng mưa vất vả chỉ mong kiếm tiền nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống. Và bản thân các em cũng vậy - các em cũng phải lao động cùng bố mẹ khi có thời gian rảnh, hoặc khi bố mẹ cần các em giúp (chắc là lúc nào cũng cần). Lúc này đây, anh muốn các em dồn toàn bộ sức lực và tinh thần tập trung cho trận đánh một cách nghiêm túc, mọi việc đồng áng, phụ trợ bố mẹ, chúng ta phải hạn chế tối đa. Muốn làm được vậy các em phải mạnh dạn nói chuyện với bố mẹ rằng "Bây giờ con đang tập trung ôn thi, con muốn dành toàn bộ thời gian cho việc học nên mong bố mẹ tạo điều kiện cho con không chỉ về thời gian mà còn việc đầu tư sách vở, ....để con có thời gian ôn luyện và sức khỏe tốt từ đó con mới có thể vào Đại học được. Con sẽ cố gắng hết mình,.....vvv" Rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với từng hoàn cảnh. Các em phải làm được việc này, không chỉ các em có được tinh thần làm việc mà còn tạo niềm vui cho bố mẹ vì đã thấy con mình trưởng thành, biết tính toán, lo toan. Họ sẽ rất vui, bố mẹ nào mà chả thương con đúng không các em, hì. Sau những giờ học căng thẳng, các em hoàn toàn có thể tranh thủ vừa thư giãn vừa phụ giúp bố mẹ những việc vặt trong gia đình như nấu ăn, quét dọn, giặt giũ, ...kể cả con trai con gái nha. Phải nghiêm túc! Những việc vặt, nhẹ nhàng đó sẽ không làm sao nhoãng việc học của chúng ta thay vì một số bạn nam vào game giải trí (đánh cho bù đầu,..), đặc biệt là đá bóng nữa. Hạn chế nhé.

Việc thứ hai anh nghĩ đó là các em tạo cho mình một không gian học tập riêng ngay. Một góc học tập phải thoáng mát (gần cửa sổ là tốt nhất), sạch sẽ và nhất là phải gọn gàng vì những yếu tố tưởng chừng như đơn giản không quan trọng mà nó lại ảnh hưởng đến tinh thần chúng ta rất lớn. Anh lấy ví dụ đơn giản, một nơi bề bộn, bẩn thỉu, hôi hám, tối tăm thì rất dễ gây cảm giác chán nản, bức bối. Đặc biệt khi chúng ta muốn thư giãn sau một thời gian cặm cụi làm bài tập (hay làm việc). Nhiều lúc nhìn ra bầu trời hoặc một cảnh vật nào đấy biết đâu bài toán có thể giải quyết, ý muốn nói tinh thần thoải mái thì mới có động lực nghĩ tiếp. Bàn ghế phải đầy đủ, cân xứng để tránh việc mệt mỏi mất cân bằng trong lúc học dẫn đến việc uể oải, muốn vận động, hay nằm xuống cản trở mạch suy nghĩ. Ánh sáng phải đầy đủ để tránh việc mỏi mắt, ánh điện mà cứ liu hiu là rất dễ gây buồn ngủ.  

Bước tiếp theo, về tài liệu học tập. Các em bắt đầu tìm kiếm, tập hợp, sưu tầm, thuê, mượn, mua tất cả các tài liệu liên quan tới các môn mình sắp thi đặt ngay ngắn trên bàn học hay giá sách. Cần phải ngăn nắp, gọn gàng môn nào ra môn đấy. Các tài liệu liên quan tới môn đó phải đặt vào một góc riêng để dễ tìm kiếm, truy cập khi cần. Anh nhấn mạnh lại việc sưu tầm, mượn, mua (đầu tư) rất quan trọng. Tìm kiếm những sách, vở, đề thi từ các năm trước của anh chị (đặc biệt là đề thi thử - anh sẽ nói rõ tầm quan trọng nó phần sau đây). Mua những cuốn cần thiết (tham khảo từ Thầy cô, bạn bè những cuốn hay).

Giai đoạn cuối của việc chuẩn bị tư trang là sắp xếp thời gian. Giai đoạn này anh phải nó là nó vô cùng quan trọng, quyết định lớn đến hiệu quả ôn thi. Vậy sắp xếp thế nào cho hợp lý?
Anh không thể có câu trả lời cụ thể cho từng người được, vì xuất phát hoàn cảnh của các em khác nhau nhiều. Nhưng tựu chung lại có một số cái anh chia sẻ để có kế hoạch tốt như thế này:
Lập thời gian biểu (kẻ bảng lớn gồm các cột chứa nội dung của 1 ngày, buổi sáng/buổi chiều làm gì? Tối đến làm gì? Thậm chí anh có những lúc anh còn thêm vào đó là trưa và chiều tối - cần phải thần tốc các em :D). Tương tự các ngày khác. Vậy vấn đề điền cái gì vào những ô trống đó? Các em phải là người tính toán. Nội dung các môn học phải được ôn xen kẻ nhau (cách 2 ngày chẳng hạn). Anh lấy ví dụ, bây giờ bắt đầu với môn Toán: thứ 2, thứ 3 ôn toán, cụ thể hơn: Sáng + chiều T2: Ôn câu1 đồ thị hàm số, tối+ sáng T3 ôn lượng giác, chiều T3 + tối T3 ôn Tích phân. Kế tiếp thứ 4, thứ 5 là môn Lý chẳng hạn và lại phân dạng như Toán để sắp xếp. Tóm lại mỗi buổi tốt nhất các em tập trung làm một dạng nào đó thật kỹ đừng qua loa. Tất nhiên là phải có giải trí giữa các giờ học (nói một cách khoa học thì cứ 45 phút nghỉ 10 phút), nhưng anh nghĩ là đang hứng thì cứ chiến tiếp chứ đừng nguyên tắc hoặc là cứ trong đợi xong 45 phút mà giải lao như "trẻ" nữa :D Khi nào thấy mệt, cần nghỉ ngơi một tí thì nghỉ!

 Hình ảnh làm ví dụ gợi ý.
Rồi cứ cách 2-4 ngày xen kẻ lại môn mình vừa ôn để tránh việc hao mòn kiến thức (các em nên lưu ý một trong những cách nhớ lâu đó là ôn lại - đừng quên điều này). Phải định hình được môn nào mình còn yếu hơn thì nên ưu tiên sắp xếp kế hoạch học trước. Kế hoạch không cần vạch ra dài đầy đủ trong 30 ngày nhưng ít nhất phải chi tiết trong vòng 5-6 ngày (Đủ trọn vẹn bao quát được 3 môn). Vậy là các em đã có một lịch ôn thi chi tiết để sẵn sàng bắt tay vào hành động chi tiết thôi! Anh sẽ hướng dẫn kỹ hơn phương pháp học ngay phần sau đây. Các bước anh vừa nói trên các em phải "Đánh nhanh thắng nhanh" nha. Tất nhiên kế hoạch có thể thay đổi, tùy biến, nhưng các em hãy hạn chế chỉnh sửa. Sau khi lập xong thì nghiêm túc với bản thân để thực hiện (tình thần làm việc anh ko nhắc nữa, ở các em đấy).

2. Phương pháp luyện thi Đại học Khối A, B. (Xem tiếp>>)


by Bùi Ước


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét