Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Phương pháp luyện thi Đại học Khối A, B

Hi các em,
Phần trước anh đã thảo luận về vấn đề Làm gì trong 1 tháng ôn thi Đại học?
Anh không biết là lúc này nó quá muộn không? Nhưng anh nghĩ nếu nó tốt thì vẫn hiệu quả cho năm sau :)
Bây giừ anh sẽ chia sẻ tới các em phương pháp luyện thi cho Khối A, B. Các em chú ý anh nhấn mạnh lại là LUYỆN THI, tức nó đã ở giai đoạn mà các em đã có kha khá kiến thức thậm chí đã có lần đi thi thử ĐH ở các Trường THPT. Giai đoạn này nó khác so với khi các em bắt đầu tiếp cận các phương pháp giải toán mà các Thầy mới dạy. Các em phải có kiến thức cơ bản này từ trường lớp rồi. Còn nói dài về sự nghiệp "chiến đấu" trong thời học sinh thì anh sẽ trao đổi về sau thật bài bản sẽ giúp các em trang bị "súng ống" cho 3 năm cấp III.
Một số nội dung anh muốn trao đổi lần này như sau:
1. Các môn trắc nghiệm: (Hóa, Lý, Sinh)
Anh sẽ tập trung môn Hóa nhé!
Đối với môn Hóa nó khá giống môn Sinh ở chỗ là nội dung liên quan khá rộng tập trung chủ yếu từ lớp 10 - 11 - 12. Vậy chúng ta làm sao học nó để thi đây? Có người nói trắc nghiệm dễ học, người thì bảo khó (hay sai - sai một tí là mất điểm luôn - khác với tự luận là đúng đến đâu chấm đến đấy). Theo anh thì không khó cũng không dễ. Nó phụ thuộc ở cách mà các em học và luyện như thế nào trong thời gian qua. Có một điều anh xin nhấn mạnh trước đó là "Trắc nghiệm đi kèm với ghi chú".
Ở đây anh chưa nói tới phương pháp làm bài thi trắc nghiệm thế nào? Anh đang nói tới học trắc nghiệm như thế nào thôi. Đối với môn Hóa nói riêng và các môn trắc nghiệm nói chung anh nhấn mạnh thêm một điều nữa là theo anh "Điểm hầu hết nằm trong các đề thi thử ĐH". Tại sao anh lại nói vậy? Sau đây các em sẽ rõ:
Như bài trước anh có đưa ví dụ về cách lập thời gian biểu để ôn thi hiệu quả. Anh luôn nhắc tới việc làm đề thi thử. Vậy làm cách nào các em có được một tập tài liệu đề thi đủ nhiều để làm. Các em hãy chủ động từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể là từ anh chị khóa trước để lại (thấy anh chị nào vừa thi xong thì đầu năm đạp xe tới nhà rồi xin ngay :D). Hoặc là từ bạn bè, mượn chúng rồi ra photo, hoặc xin từ Thầy cô (các Thầy hơi ít). Hoặc em nào rành công nghệ thông tin hơn hay là nhờ anh chị (nói cách khác là quen biết với Bác Google hơn) thì lên ngay mạng tìm kiếm, rồi copy vào USB đi in về làm (như vậy là có ý thức tìm tòi và đầu tư rồi). Ví dụ em có thể lấy đề thi thử đại học từ các trường như sau: Đại học Sư phạm HN lần 1,2,...7,8..(họ tổ chức rất nhiều) phù hợp với nhiều giai đoạn từ lúc kết thúc học kỳ I năm 12 là có thể làm những đề đấy rồi. Có thể kể thêm một số đề hay như THPT Phan Bội Châu, ĐH Vinh, ĐH khoa học tự nhiên,... các trường này luôn tổ chức thi thử hằng năm và họ rất chú trọng vào hoạt động này, thu hút rất nhiều sinh viên tham gia.
Khi rảnh hoặc cảm thấy muốn thử thách kiến thức thậm chí là buồn, chán hãy lôi những đề thi ra làm và làm, ghi chú và ghi chú rồi nhớ và nhớ mãi. Mục đích là xem mình kiến thức đến đâu. Anh cảm thấy nhiều lúc đó là thú vui, sở thích, và nhiều lúc anh cảm thấy mình nghiện Đề một cách kinh khủng. Anh còn nhớ một lần Cha anh gọi lên ăn cơm trưa (12h00) mà anh vẫn còn ôm cái đề thi thử ĐH Vinh (nó khá là khó) anh làm toát hết cả mồ hôi, khó vật vã vì nó huy động nhiều kiến thức nhưng anh đánh giá là hay vì nó đánh đố rất cao!!! Vậy là anh đã "nói to" với Cha như quát lên :D Cha anh cười rồi xuống xem mình đang làm gì rồi lặng lẽ đi lên ăn cơm cùng mẹ. Nghĩ lại mà cười mãi! Kể để các em biết anh "yêu" đề thi đến mức nào. Bạn bè có đề nào là phải "săn" bằng được. Để đến lúc về sau anh có một tập đề đồ sộ cho từng môn (Toán Lý Hóa), rất dày và mềm nhuyễn vì nó được xới tung hàng ngày do quên hoặc nhớ câu nào đó đã từng làm. Nhiều quá mà! :)
Quay trở lại, giai đoạn đầu các em có thể tập trung làm lý thuyết trước.
Giải quyết nó như thế nào đây? Hãy nghe anh "Bám sát đề thi, lý thuyết sẽ lòi ra". Thường thì đề thi có 50% là lý thuyết và 50% bài tập. Nó không thể bỏ qua! Nhiều em bảo lý thuyết khó nhớ, học chán, etc. Nhưng anh nghĩ lý thuyết là dễ kiếm điểm và dễ học nhất vì nó không mấy đòi hỏi tư duy. Anh lấy ví dụ sau: 
Câu này là một câu khó cho học sinh. Vì nó tổ hợp kiến thức từ mọi ngóc ngách đã học. Thường thì chúng ta chỉ nhớ 1 vài chất là chắc chắn đúng. Nhưng đề thi ĐH nó đánh lừa vào chỗ đó. Mục tiêu đánh giá rằng "Anh chàng học sinh này có học kỹ càng không?" Các em phải làm sao với loại này? Chỉ còn cách làm các đề thi thử để va chạm các câu thế này, có thể các em làm 10 cái đề mỗi đề có một chút chứa trong 4 câu trắc nghiệm trên thì lúc đó mới tìm ra được đáp án đúng. Đọc lại sách gạch chân lại trong sách, ghi chú ngay tại đề là "câu này trang mấy? sách nào? xuất hiện ở đề nào?" Ôn thi vất vả nhiều thứ nhồi nhét nếu không ghi chú cẩn thận thì các em dễ bị "tẩu hỏa nhập ma" lắm! )0:0( Đấy là những câu lý thuyết đánh đố sinh viên nhất. 
Với mỗi câu lý thuyết có dạng kiểu áp dụng lý thuyết trong sách, ví dụ điển hình (hay bị ra nhất):

Các em phải tự đọc lại sách và phân tích nó xem kết hợp làm các đề thi thử trước đây có đáp án để tìm ra quy luật chung tại sao lại có đáp án này. Với dạng này khi nắm được quy luật chung, cũng như ngấm ngầm được những câu lý thuyết dài dằng dẳng nhưng quan trọng trong sách, thì về sau câu nào cũng giải quyết được. Ví dụ khi chúng ta giải quyết một câu nào, kiểu như tự mình hiểu (nói cao hơn chút là tự mình phát minh ra) thì chép ngay phương pháp làm bài này vào vở, về sau khi ôn đến có thể nắm ngay cách giải. Kiểu như thế này, thông cảm chữ anh hơi khó đọc (năm 12 nó đã biến chất).

Gạch chân vào trang sách (mực màu đỏ) khi gặp câu trắc nghiệm hay ho mà mình chưa biết tới hoặc bị đánh lừa lần đầu, lần hai,...Ví dụ như sau:

Giai đoạn thứ hai là bài tập trắc nghiệm: Phần này anh sẽ không nói nhiều vì nó là bài tập và đòi hỏi các em phải ngồi làm và tư duy đầu óc cũng khá nhiều. Tựu chung lại anh sẽ điểm một số điều sau:
Anh nhắc lại, tất cả chúng ta làm ở đây là Luyện thi chứ không phải đi học nhồi nhét hàng loạt dạng mới nữa. Khi có kiến thức cơ bản rồi, giai đoạn này các em tiến hành thử sức bằng cách làm đề thi thử như trên. Chuyên làm về bài tập, gặp dạng nào khó thì cố động não, huy động kiến thức để làm. Nếu không làm được thì đọc lại dạng mình đã học, thầy đã dạy và làm lại. Sau đó đến việc là ghi chép lại phương pháp giải cho những bài được cho là "đặc trưng" đấy. Vậy là sau một thời gian các em đã có được một cuốn vở hữu ích vừa chứa lý thuyết vừa chứa lời giải của những câu bài tập quen thuộc mà các đề thi thử thường ra lặp lại các dạng rất nhiều. Va chạm các bài, giải xong thì kiểm tra đáp án nếu sai thì giải thích vì sao? Chắc chắn là có sự đánh lừa đây rồi, các đáp án rất ảo, nếu em không chú ý thì các đáp án đều có thể là kết quả em tính ra (đề ĐH lừa chúng ta chỗ này). Khi gặp một dạng mới thì lập tức tìm, mượn sách nói về dạng đó và đọc hiểu. Làm các bài tương tự, gợi ý các em nên mua các cuốn sách kiểu như "Phương pháp giải toán Hóa học ôn thi ĐH" người biên soạn sẽ thu thập được nhiều dạng hay gặp, từ đó các em có thể tiếp cận để hiểu thêm.
Một điều nữa, sau khi các em có thể giải những dạng toán trong đề thi rồi thì hãy trau dồi cách giải nhanh. Như thế nào là "giải nhanh"? Nó có thể được hiểu là áp dụng các công thức ngắn gọn để giải ra bài toán có dạng quen thuộc một cách trực tiếp mà không cần viết nhiều, có các sách hay như phương pháp giải nhanh Hóa vô cơ, hữu có của Ngô Thị Thiên An" . Hoặc giải nhanh có nghĩa là các em phải rút gọn việc trình bày đòi hỏi có kinh nghiệm và hiểu bản chất. Đặc biệt là loại toán dùng các phương trình ion, rồi oxi hóa khử, cân bằng e,... rồi dạng toán chất đầu - cuối tức là ở giữa cho dù phản ứng thế nào cũng ko quan tâm....vv.
Như vậy chúng ta vừa trao đổi về phần trắc nghiệm lý thuyết và bài tập. Hy vọng các em nắm được tinh thần làm bài. Có lẽ nếu muốn rõ hơn, chúng ta nên có trao đổi từng chi tiết. Anh cũng nhận định là không thể bao quát hết tất cả những gì trong bài viết ngắn vậy.
Một số nguồn đề thi thử ĐH - CĐ gợi ý cho các em: 
2. Môn thi tự luận - Toán
Đối với môn toán thời gian thi là 3 tiếng - các em cứ yên tâm về thời gian làm, chỉ sợ không làm được lại "gặm" mòn bút thôi 0_0. Do vậy chiến lược học nó cũng khác. Nó không có những phương pháp giải nhanh như trắc nghiệm nữa. Đòi hỏi các em phải "cày" kịch liệt thì mới có kết quả cao được. Giống như phương pháp lập thời gian biểu trước. Các em phân loại từng dạng một. Huy động tài liệu, kiến thức. Đánh mạnh vào từng dạng một, thật nhuần nhuyễn, làm thật nhiều dạng cho một câu (ví dụ ý 2 của câu khảo sát). Các em giải thật chuẩn câu 1, câu này dễ kiếm điểm, không khó.
Anh sẽ nói kỹ một số câu đặc trung như sau:
Đối với câu lượng giác: Chỉ có cách là giải thật nhiều. Học cách phân tích (hướng giải) để đi đến những hướng đơn giản. Câu này thường không quá dài và phức tạp. Nếu bọn em giải quá miên man, dài dòng thì hẳn cách đấy nó không hay hoặc không ra đáp án, và nghi ngờ đáp án có thể sai. Đề ĐH cho câu này chỉ cần các em đi đúng hướng, rồi phân tách rồi ra đáp án thôi. Một điều chú ý với câu này đó là kỹ năng tổng hợp nghiệm, rút gọn nghiệm (dùng đường tròn lượng giác). Mục đích rút gọn để đơn giản, và dễ đối chiếu với điều kiện đặt ra ban đầu (nếu có). Việc thuộc công thức lượng giác là điều cực kỳ cần thiết. Anh nghĩ là nó không khó, thấy một số bạn rất sợ vì nó nhiều công thức. Chỉ cần các em làm nhiều rồi sẽ quen thôi. Nhớ công thức cũng là một cái mẹo - anh sẽ chia sẻ tới các em sau.

Đối với câu tích phân: Đây cũng là một câu khó. Ngoài việc rèn luyện thật nhiều từ các bài tập của Thầy cô, trong các sách tham khảo thì nó cũng bắt đầu tiếp cận với đề thi. Em sẽ làm gì trong đề thi đặc biệt như những câu này? Anh giải thích chút, với hầu hết các câu tự luận như câu tích phân, hình không gian,hình học phẳng, ... nó khá là hóc búa trong đề thi. Thường để ra được những câu tích phân hay và đánh đố học sinh thì người ra đề phải chọn lọc, biến đổi kỹ càng, đánh đố tư duy chúng ta. Do vậy khi giải những đề thi, câu đó thường hội tụ những ý tưởng giải hay, lối đi rất đa dạng và các em học được rất nhiều ý tưởng hay từ đề đấy. Cứ làm một đề các em lại tích trữ cho mình thêm nhiều phương pháp giải toán. Anh lấy ví dụ: Trong đề thi ĐH Vinh trong câu tích phân nó có một giai đoạn biến đổi phân tích khá khó nhưng nó lại là một câu nguyên của đề ĐH KHTN, tức là đề Vinh sẽ phải biến đối mới đi đến ý của câu ĐH KHTN. Vậy là sau khi các em làm đề ĐHKHTN xong, đã có hướng giải quyết cho một đoạn khúc mắc trong ĐH Vinh rồi. Tương tự như vậy, đề ĐH chính thức thường đòi hỏi học sinh có kiến thức nhiều mới liên kết làm được bài toán. Vậy một lần nữa đề thi các trường lại đóng vai trò quan trọng. Nhớ làm thử - xem đáp án- học cách trình bày - ghi chép lại phương pháp - áp dụng, đó là các giai đoạn các em tích lũy dần kiến thức. Sau này khi đi thi gặp bài toán nào cứ mạnh dạn biến đổi nếu chưa nghĩ ra hướng giải quyết, khi các em cứ phân tích ra cái abc gì đó, thì sẽ có cơ hội tiếp cận với các bài nhỏ đã được giải quyết trước đây. Thay vì giải một bài tích phân thì giờ đây các em phải giải nhiều cái tích phân nhỏ (I1, I2, I3,,...). Vậy là đòi hỏi phải có nhiều liên kết thì mới làm được I1, I2, I3.

Tương tự thì câu hình không gian, hay hình học phẳng: Cũng ngồi làm, vẽ rồi phân tích, chứng minh tìm cách giải quyết. Anh thấy hình học các em làm hết các bài trong sách bài tập nâng cao (ban A, B thường học ấy) nó cũng khá khó và hay. Các em sẽ học được nhiều phương pháp chứng minh, giải toán trong đó. Cũng ghi chú lại vào vở những phương pháp cá nhân mình cho là hay (thực ra là mình chưa biết hoặc đã làm sai). Lại liên kết kiểu như tích phân. Đặc biệt là hình học phẳng, thường có các dạng rõ ràng học được từ các Thầy, ví dụ đơn giản như dạng viết phương trình đường thẳng qua một điểm và vuông góc với đường thẳng...vv.. khi giải bài toán lớn lại áp dụng từ những bài toán nhỏ.
Còn câu cuối thường là số phức, nó không khó, cái này dễ kiếm điểm, chỉ cần học cách giải những bài trong đề thi thử là các em có thể làm được.

Như vậy anh lưu ý gọn lại như sau: Ôn - làm đề + ghi chú - làm đề + ghi chú.
Đến khi đi thi em chỉ cần đọc lại những bài trong vở ghi, xem lại các chú ý trong đề thi (đã được đánh dấu) là tự tin ngồi vào phòng thi rồi. Cứ vậy mà chiến thôi!

3.Cách học như thế nào cho hiệu quả?
Lưu ý các em như sau: ăn uống, ngủ nghỉ và học tập phải điều độ, đúng giờ, tập cho đồng hồ sinh học mình hoạt động đều đặn. Không học quá sức, kiểu như thức đến 2 - 3 giờ sáng (có thể một số em ngủ sớm giờ đấy dậy học thì chấp nhận được). Anh không khuyến khích cày đêm rồi ngày ngủ, điều đó không tốt. Thường người ta nói ngủ 1 tiếng vào ban đêm bằng 2 tiếng ban ngày. Tại sao lại vậy? Vì ngủ đêm, cơ thể ta được nghỉ ngơi không chỉ về mắt, tai,... mà các giác quan khác. Nếu ngủ ngày thường rất ồn (xe cộ, hoạt động con người,...) dễ làm giấc ngủ chúng ta không sâu và chập chờn. Điều này rất ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Vì lúc em đi thi cần có sức khỏe, tinh thần tốt. Cứ ngày nào cũng đều đều (nhưng phải hiệu quả mới đều được) không phải lo lắng, áp lực, có người còn tự tử (anh nghe mà tiếc quá). Đấy là một lý do anh muốn nói tới là nếu em có sự chuẩn bị từ trước tốt thì đến thời điểm này sẽ không quá áp lực. Nhiều bạn đến thời điểm này thường học ít, nói đúng ra là chỉ ôn thôi. Còn các em phải chiến lược khác, xem chính mình rồi đặt ra hành động ngay!

Điều thứ hai là vấn đề học lò, trung tâm,... Anh nghĩ thời gian này không nên đi học ở các trung tâm nhiều. Nếu các em cảm thấy đang yếu môn nào thực sự thì đi học 1 tuần từ 3-4 buổi (cho cả 3 môn tối đa). Khi đi học ngoài thì chủ yếu là các Thầy cho phương pháp, dạy cách làm bài. Nhưng nếu bài toán đấy em tự giải quyết, tập thói quen động não, huy động kiến thức, vật vã lăn lộn trên đề thi thì khi đi thi bọn em mới có thể đáp ứng được, mới rèn tư duy cho mình được. Đừng phụ thuộc quá nhiều vào Thầy cô nhé! Chủ động tìm tòi, tự học là chính các em à!

Điều thứ 3 là chế độ giải trí vui chơi. Hạn chế việc đá bóng, chạy nhảy quá sức hay chơi game xả stress, ... nó sẽ làm sao nhoãng kiến thức ngay, nói như phim TQ là "hao tổn nguyên khí" :D

4. Các giai đoạn trong vòng "thi đấu"

Lưu ý các giai đoạn sau:
a) Khi vào trong phòng thi? 
Cần có thái độ bình tĩnh, không việc gì phải lo lắng cả. Đừng có kiểu "Ta bước đi lòng nghĩ suy gì" hay là "không biết đề khó không" là hỏng. Xác định tinh thần là "Để xem đề thi ĐH năm nay đến mức nào? Có bằng đề thi thử ĐH Vinh không? ..." kiểu như vậy, đưa ra sự ham muốn của mình, đặc biệt là "yêu" đề.  Nói chung đã nộp hồ sơ, quyết định rồi thì cứ cố gắng hết mình dù kết quả tới đâu đi chăng nữa. Nếu thất bại thì phải xem lại bản thân "Mình đã không hiệu quả ở đâu? tại sao mình có cảm giác bỡ ngỡ khi gặp đề thi? Mình đã làm hết mình hay chưa hay là cứ nửa vời, được thì đi học ĐH mà không thì thôi".
b) Khi thi xong môn thứ nhất, thứ 2
Anh chỉ lưu ý là sau khi thi xong không nên xem đáp án môn vừa rồi, cũng không lăn tăn gì nữa. Qua rồi, bây giờ tập trung thằng tiếp theo có thể để cứu vớt thằng vừa qua. 
c) Chuẩn bị thi khối khác (nếu có) 
 Quay về tiếp tục sự nghiệp khối khác thôi. Quyết tâm cao, chắc các em có đã có hình dung kết quả về khối vừa qua. Lúc này động lực buộc em phải bước tiếp hay là không? nếu phải bước tiếp thì lại chiến như thường thôi, không phải lo gì cả. Trượt sang năm thi tiếp, không già đâu mà lo :D Nếu không bước tiếp thì về xả stress thôi! Đá bóng, cày game,... làm mọi thứ mình thích! Nhưng có giới hạn nha, quá đà là giấy báo trúng tuyển mà không thấy anh ABC vào học là nguy đấy. 

Vậy là anh vừa có bài viết cũng không quá ngắn. Hy vọng các em góp nhặt được một vài kinh nghiệm từ anh. 
Chúc các em ôn thi hiệu quả và đạt kết quả cao trong việc truy tìm cho mình một "tấm vé" vào cổng ĐH nha. Có khá nhiều điều thú vị trong ĐH, các em hãy thử vào đó xem nhé!

Bùi Ước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét