Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Cảm nhận về bộ phim "Mật danh IRIS Phần 1"

Thư giãn chút, muốn bình luận về một số bộ phim hay và để lại ấn tượng nhất mà mình đã từng xem . Lần này mình muốn để lại chút cảm nhận với bộ phim "Mật Danh IRIS phần I". Mình xem hồi năm nhất vào Đại học, thức trắng 3 đêm để xem (tất nhiên là không liên tục được - sức đâu :D).
Mời các bạn xem đoạn nhạc phim (Love of Iris - nghe nhạc vừa nhớ một tình bạn vừa khao khát một tình yêu 0_0):

Có lẽ mình nên trích một đoạn này trước. Trả lời cho câu hỏi tại sao phim Hàn lại hay và thu hút người xem đến vậy?
"Kịch bản trong phim Hàn Quốc giản dị, nhiều khi đơn giản nhưng người ta biết cách khai thác chi tiết một cách triệt để. Chỉ nói về tình yêu chẳng hạn – một đề tài ai cũng biết, có rất nhiều người thậm chí đoán trước kết cục của bộ phim nhưng họ vẫn thích xem, háo hức đợi chờ giờ phát sóng vì phim của họ diễn tả tình cảm, thể hiện tình tiết tỉ mỉ, hay và khéo léo.
Kịch bản là một khâu quan trọng nhưng để có một bộ phim thành công còn cần sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nữa. Quy trình làm phim của họ rất chuyên nghiệp, diễn viên đẹp, đóng tốt, quay kĩ, âm nhạc hay... mỗi thứ tác động một chút mới làm nên bộ phim hấp dẫn. Về vấn đề kịch bản, chúng ta cũng nên học tập phim Hàn Quốc.
Kịch bản của ta còn ôm đồm quá nhiều vấn đề, nói nhiều thứ trong một bộ phim quá thành ra phim bị loãng, dàn trải và khô. Mình cứ tưởng làm một bộ phim hướng đến mọi đối tượng thì sẽ thành công nhưng thực tế không phải thế. Phim Hàn Quốc chỉ nói về giới trẻ nhưng cả người già đến trẻ con đều thích. Đó là cái hay trong khâu sáng tác kịch bản của họ."


Đúng vậy, phim Hàn tuy đơn giản, hầu hết câu chuyện chỉ xoay quanh tình yêu, tình báo nhưng nó rất tỉ mỉ và lấy lòng được người xem.
Trở lại chủ đề hôm nay... 
Cá nhân mình thì không xem phim Hàn dài tập nhiều, mình đếm được hiện tại là xem trọn vẹn 3 bộ. Phim này là một, kế đó là bộ phim Tội ác... gì đó, do một người bạn giới thiệu :D -do diễn viên chính trong phim trước đóng, anh Lee Byung Hun (trong vai Hyun Jun) và cuối cùng là City Hunter (xem cùng bạn bè). Chỉ vậy thôi! :)) Lý do khiến mình xem ít vậy có lẽ là do mình thích phim hành động, phiêu lưu hơn là phim tình cảm. Và cũng có thể do mình không có nhiều thời gian để xem phim dài tập (phim Hàn muốn hay và ý nghĩa mình nghĩ là phải dài tập mới ấn tượng được). Nhiều lúc đi qua phòng trọ một số bạn gái mình thấy nực cười quá. Cứ ngồi xúm lại xem phim Hàn, rồi hét lên, chắc thích anh nào đó trong phim :D. Mình hay nói đùa các bạn gái rằng: Xem phim Hàn vừa thôi, khổ cho mấy thằng con trai, vì xem sợ lúc nào các bạn ảo tưởng, trong phim nó khác thực tế nhiều đấy! :D Các thanh niên cẩn thận nha!

Quay trở lại vấn đề chính mình muốn chia sẻ hôm nay đó là phim IRIS phần 1 (sản xuất năm 2009). Phim này có 2 phần và được xem là bom tấn, tuy nhiên phần hai thì một số nhân vật chính lại khác đi, nên mình không hứng và cũng không có thời xem nữa. Có rất nhiều bài viết về phim này và cũng được VTV2 công chiếu năm trước. Tại sao nó lại để lại cho mình ấn tượng vậy? Mình sẽ kể cho các bạn ngay sau đây:
Lý do thứ nhất: "phim hành động". Mình thích thể loại bắn nhau (đặc biệt là Sniper - bắn tỉa - kiểu ngắm bắn), đánh nhau (kiểu như phim Transporter 1,2,3 - người vận chuyển), rồi phiêu lưu mạo hiểm. Hồi còn bé thì có thích phim bay nhảy của TQ nhưng giờ thì không tuyệt đối, nếu không có bay nhảy mà hành động đấm đá - như một vài bộ phim của Lý Liên Kiệt hay Chung Tử Đơn chẳng hạn, thì vẫn xem như thường.
Lý do thứ 2: "Tình bạn" - Bộ phim cũng kể về một tình bạn thân thiết. Họ lớn lên bên nhau từ nhỏ, được rèn luyện, đào tạo cùng nhau, sát cánh bên nhau cho tới lúc 2 người rơi vào một kế hoạch đã được sắp xếp từ lâu. Lúc này đây tình bạn như rạn nứt. Nhưng cuối tập phim họ lại tìm về với nhau. Một tình bạn đẹp!
Lý do thứ 3: "mạnh mẽ" Rơi vào một hoàn cảnh đòi hỏi phải chiến đấu. Nam nhân vật chính đã rất thành công trong vai diễn của mình và mình nghĩ chỉ anh ấy mới diễn xuất thành công như vậy (suy nghĩ hơi hẹp tí :D). Với tinh thần mạnh mẽ trong lúc chiến đấu, đi tìm công bằng, vạch trần sự âm mưu thủ đoạn xấu - hành động của người anh hùng. Sự dũng cảm, đương đầu với mọi thách thức, không chịu khuất phục và đặc biệt là cách giải quyết những thử thách éo le trong cuộc sống của nhân vật. Khiến tôi cũng học hỏi được một vài điều. Phong cách đóng phim của anh ấy vẫn vậy - mình đã xem thêm vài tập phim ngắn của anh ấy. 
Lý do tiếp theo: "Tình yêu" Một tình yêu không kém phần lãng mạn trong một tình thế hai người cùng làm việc tích cực và không bỏ bê công việc chút nào. Họ luôn hướng về nhau, tin tưởng nhau và khao khát được bên nhau từng giây từng phút. Bộ phim vừa cân bằng được tình yêu và công việc. Mình thích vậy! Cuộc sống phải biết cân bằng. Công việc là công việc, tình yêu là tình yêu, hạn chế tuyệt đối sự ảnh hưởng qua lại giữa hai vấn đề này trong cuộc sống càng nhiều càng tốt. Dù bận bịu hay gặp khó khăn, thất bại trong công việc thì cũng phải luôn trân trọng người mình yêu thương, luôn cho họ tình cảm như trước đây. Vì chính lúc đó họ mới là người bên ta để ta tin tưởng. Cứ suy nghĩ thế này cho thoáng: Tình yêu để bên não phải, công việc để bên não trái. Rứa cho lành!Tất nhiên là có những liên kết nhất định nhằm tạo động lực cũng như tinh thần làm việc. :D
Lý do cuối cùng: "Kịch bản" - Một bộ phim hay đòi hỏi kịch bản phải tỉ mỉ, sắc bén, kịch tính, cuốn hút người xem. Đó cũng là một cái tài của nhà soạn kịch và không thể thiếu phần của các tay đạo diễn và  nhiều nhân vật giỏi, xinh (nổi tiếng). Bên cạnh đó cảnh phim lôi cuốn, sự đầu tư lớn (kể đến như đoàn làm phim phải sang Nhật để quay cảnh)..v.v Và rất nhiều yếu tố làm nên thành công của một bộ phim nữa.

Có lẽ vậy là đủ cảm nhận ngắn ngủi của mình rồi! Chỉ là cảm nhận cá nhân thôi.
Kết luận phim: Đó là bộ phim Hàn Quốc hay nhất với cá nhân mình tính tới thời điểm hiện tại! :D

Cảm ơn bạn đọc đã ghé thăm.
by Bùi Ước

 

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Hình ảnh của tôi

Ảnh này nghiêm túc nhất năm 2014 đây =)




Blog này sẽ làm gì?

Trước tiên cho mình gửi lời chào thân ái tới các bạn đọc nhé! :D


Giới thiệu blogger chút, mình tên đầy đủ là Bùi Trọng Ước, năm nay là 2014 và hiện đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Công nghệ trực thuộc của Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Mình sẽ dành bài viết này nói về mục đích cũng như quan điểm của mình về loạt blog này như sau:

Thứ nhất, mình đăng bài trên blog không phải để thể hiện kiến thức, hay khoe khoang bất cứ cái gì cả. Cũng không phê phán, chỉ trích, bôi nhọ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Đơn giản là chia sẻ cho bạn đọc những gì mình đang quan tâm. Mình cũng chưa làm được gì to tát trong cuộc sống này cả, nhưng ít nhất mình cũng có chút trải nghiệm qua những việc nhỏ để đặt nền móng cho những việc quan trọng về sau. Nhiều lúc các bạn nghĩ đó là sự thừa thãi hoặc không thú vị, nhưng đối với cá nhân mình đó là điều nên làm.

Thứ hai, blog về sau chủ yếu là những bài xuất phát từ cá nhân, những bài này sẽ thể hiện cái tôi hơn một chút, nên mình rất hy vọng các bạn cũng đừng quá bức ghét mình nha :D. Các bạn hoàn toàn có thể để lại comments hay góp ý gì. Mình sẽ rất cảm kích về điều đó. Mình coi bài viết như những trang nhật ký để lưu lại những điều trong cuộc sống hay những cảm xúc, quan điểm cá nhân về sự vật hiện tượng trong đời sống hàng ngày hay đâu đó là thú vui giải trí. Mình thích vậy! :)

Thứ ba, ở đây cũng xuất hiện một số bài viết do mình trích dẫn trên mạng hoặc từ sách vở thì sau mỗi bài viết mình đều đưa ra nguồn rõ. Các bạn cũng nên chú ý những vấn đề này khi đăng hay chia sẽ bất cứ cái gì, bất cứ nơi đâu nha (gói gọn trong hai từ "copyright" - Bản quyền).

Nói tóm lại đây là trang mang tính cá nhân nhằm chia sẻ quan điểm, tâm tư, tình cảm trong con người mình. Hiện tại thì mình chưa share nhiều, vì vẫn còn ít bài viết. Do mình trước đây đã dùng một blog khác nhưng vì không ổn nên mình phải chuyển sang blogspot và vì vậy một số bài viết được copy sang nơi này vào cùng một thời điểm post. 
Cảm ơn tất cả các bạn!
Rất vui khi các bạn đón đọc blog của mình!
"Tôi chưa thành công nhưng tôi muốn chia sẻ những điều tôi biết. Sống được bao nhiêu đâu mà cất với giấu. Yêu thương ai được bao nhiêu đâu mà cứ muốn người ta yêu mình!"

Bùi Ước

"Tình yêu"


'Bệnh oai' - căn bệnh nan y của người Việt

Từ xa xưa cho đến bây giờ, loài người vẫn phải gian truân gánh chịu nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo và bao điều bất hạnh khác xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, làm cho chúng ta phải lo lắng, tìm cách phòng chống!


Thực tế thì những căn bệnh quái ác “tứ chứng nan y” như phong lao cổ trướng, đậu mùa…ngày nay không còn là nỗi kinh hoàng nữa. Tuy nhiên một số bệnh, trong đó có những bệnh xã hội mà nhiều người hiện đang quan tâm, đó là “bệnh oai, bệnh điếu đóm, bệnh sĩ, bệnh vô cảm, bệnh cố chấp, bệnh chuyên quyền”… vẫn đang còn diễn ra.
Để góp phần hội chẩn và điều trị loại bệnh này cho sạch, đẹp môi trường sống, người viết bài này đâu dám đa ngôn, xin bạn đọc gần xa hãy cùng tôi quan tâm đến “bệnh oai” trước.
Vâng! “Bệnh oai” thật trớ trêu đã có từ bao thuở, vẫn đeo đẳng theo mãi con người! Ấy là muốn nói cái oai mà người ta cứ cố “lên gân” để cho oai phong, oai vệ, đạt “kẻ cả” lẫy lừng, anh hào nhất khoảnh. Nó không đơn giản như thịt, cá, tôm, cua… khi mà bị oai (thiu) là có mùi, dễ nhận biết. Đằng này, “bệnh oai” của con người rất đa dạng và oái ăm, lây truyền không kém gì “vi trùng”. Nó có thể truyền từ đời này qua đời khác và không loại trừ ai! Xem ra phòng chống loại bệnh này đến nay trên thế giới chưa thấy có thuốc gì đặc hiệu? Vậy nên “bệnh oai” vẫn cứ sống ngất ngưởng gây nhiều phiền hà, tai quái, nhiễu nhương, làm hại cho đời. Bao chuyện nực cười, mệt người, mà đang gây tốn công, tốn của!
Nhiều người muốn cải thiện môi trường sống sao cho văn minh, lễ độ, có văn hoá, đã mang “bệnh oai” ra hội chẩn. Nhiều ý kiến thống nhất rút ra một số triệu chứng thường gặp như sau:
- “Bệnh oai” rất háo danh, chuộng lợi, chuyên quyền, độc đoán, bảo thủ, cực đoan. Hay khuệnh khoạng, vênh váo, vỗ ngực hơn người, chưa đỏ đã lấy làm chín, nói năng thô kệch, phũ phàng, ngắn chữ, đôi khi còn tàn bạo. Thường hay ăn tục, nói to, vô lễ, dối trá, lừa lọc, lố bịch đến trơ trẽn, có hại tới cơ đồ và kinh tế…
- “Bệnh oai” thường hay khoe mẽ, thích làm sang, lười lao động, bất tài vô dụng, nhưng lại muốn người khác phải phục tùng, tôn trọng.
- “Bệnh oai” giấu dốt, sợ sai, ngang tàng, lý sự, “được cãi cùng, thua cãi cố”, hay thách đố “gắp lửa bỏ tay người”, thường lừa thày, phản bạn, mưu hại bề tôi.
- “Bệnh oai” thích ăn ngon, mặc đẹp và tỏ ra khó chịu khi thấy người khác giỏi giang, thành đạt.
- “Bệnh oai” khi có quyền, có tiền dễ vung tay quá trán, ưa nịnh bợ, sống vô cảm, dễ quên bạn bè, ít lắng nghe, thường lấy oán trả ân, học đòi, xa rời quần chúng, hay ba hoa, khoe mẽ.
Với người mắc “bệnh oai”, từ xa xưa ông cha ta đã từng phê phán:
Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà vợ hỏi cám rang đâu mày
Đó là những người sống ưa mẽ, vô tích sự. Trớ trêu và hài hước hơn:
Cậu cai nón dấu lông gà
Cổ tay đeo nhẫn gọi là cậu cai
Ba năm được một bận sai
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê
Hoạ cũng có người bị lầm để rồi phải luyến tiếc, ân hận với những điều oai mà rỗng, tưởng ghê gớm mà rất thường, hèn thấp, vô dụng đến vô duyên:
Tưởng anh bóng cả cây cao
Em tựa lưng vào che nắng, che mưa
Nào ngờ cành cộc, lá thưa
Giọt nắng cũng đến, giọt mưa cũng vào
Thế rồi khi biết ra đã muộn, chỉ biết tiếc công, tiếc của, ân hận.
Việc giải quyết “bệnh oai” cũng như các bệnh xã hội khác mà khuôn khổ bài viết này chưa có dịp đề cập, nhiều ý kiến của “hội chẩn” và hội thảo đã cho rằng nó giống như một thứ bệnh, phải phòng chống kiên trì, có biện pháp sắc bén, để hạn chế những “nọc độc”, biến chứng oái oăm, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho cộng đồng trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.
Theo TẠP CHÍ CỬA BIỂN

Thói sĩ diện hão của người Việt ngày càng trầm trọng

Tính sĩ diện hão của người Việt đang ngày một phát triển và gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho sự phát triển của đất nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục và mọi mặt của đời sống xã hội.
Từ trước tới nay, người ta nói nhiều về tính sĩ diện hão của người Việt.
Sĩ diện hão là gì? Đó là sự giả tạo, khoe mẽ, hợm hĩnh, bảo thủ, giấu dốt, phù phiếm, lãng phí… Và luôn luôn coi cái “tôi” là nhất. Không ít vụ án đau lòng xảy ra bởi tính sĩ diện hão. Chỉ vì một ánh mắt, một nụ cười mà bị coi là “đểu”, mà người ta sẵn sàng dùng hung khí để giải quyết. Rồi biết bao người được gọi là “đại gia”, trong khi nợ nần chồng chất, quỵt lương, bảo hiểm của công nhân, nhưng vẫn bỏ ra tiền tấn để mua xe siêu sang, xây nhà to vật vã…
Những biểu hiện của thói sĩ diện hão trong xã hội là thiên hình vạn trạng và ở bất cứ nơi nào trên đất nước này, ta cũng gặp những cái gọi là “sĩ diện hão”. Thẳng thắn mà nói, người Việt Nam vốn có tính sĩ diện hão mà điều này có từ cổ chí kim chứ chẳng phải mới từ bây giờ. Tính sĩ diện hão này còn được đưa vào cả thành ngữ như “con gà tức nhau tiếng gáy”. Người này thấy người kia sắm được xe sang, xây được nhà to thì cũng sống chết vay mượn, mua sắm để tỏ ra rằng ta không thua kém gì nó.
Rồi tính sĩ diện hão còn thể hiện trong câu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại” – nghĩa là cố che đậy những khiếm khuyết của mình để lấy oai với thiên hạ. Ngày trước, thời bao cấp, có câu chuyện giai thoại rằng, khi sang nhà khác chơi, nếu đúng giờ ăn cơm thì phải thủ sẵn trong túi que tăm. Đến nhà bạn bè, chiến hữu, gặp đúng lúc bữa cơm thì khéo léo mà từ chối, rằng “tớ vừa ăn xong” và điềm nhiên lấy tăm ra xỉa răng.
Và để giữ sĩ diện, thì nhiều khi lại không tự biết mình, biết người, để rồi lao vào những việc làm không có tính khả thi, làm những việc để thỏa mãn thói hiếu thắng, sĩ diện và hậu quả thì người khác gánh chịu.
Tính sĩ diện hão đâu chỉ có trong đời sống xã hội và bằng những chuyện “ lặt vặt”, mà còn trong cả nhiều chính sách, liên quan đến quốc kế dân sinh.
Vừa qua, nhiều nhà kinh tế của Việt Nam hoan hỉ trước việc Việt Nam xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo và trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Trong khi đó, người Thái Lan thì lại vui mừng khi họ “được” tụt xuống hàng thứ hai. Đây không phải là sự thụt lùi của Thái Lan mà đây là do chính sách của Thái Lan nhằm tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Và thực sự người nông dân rất phấn khởi vì gạo họ xuất khẩu ít đi, nhưng lợi nhuận lại tăng lên. Còn chúng ta thì tự hào rằng mình là số 1 thế giới, nhưng về mặt lợi nhuận thu được từ xuất khẩu gạo lại thua xa Thái Lan. Rồi chúng ta tự hào rằng, chúng ta có cà phê đứng hàng thứ hai thế giới, hạt tiêu đứng hạng nhất thế giới. Nhưng thử hỏi giá trị cà phê, hạt tiêu của chúng ta so với những nước khác thì như thế nào? Số lượng thì lớn, nhưng chất lượng và giá trị thì lại thấp… Vậy mà chúng ta vẫn cứ tự hào là “nhất”. Lẽ ra, những người có trách nhiệm phải lấy đó làm đau khổ, làm nỗi lo. Nhưng không, họ luôn lấy đó để bằng lòng.
Và cũng chính tính sĩ diện hão đã đẻ ra chủ nghĩa thành tích…
Bấy lâu nay người ta cứ lên án chủ nghĩa thành tích trong ngành giáo dục, nhưng thực ra nếu như soi cho kỹ thì ngành nào, nghề nào cũng có chủ nghĩa thành tích.
Gần ba mươi năm trước, có một câu chuyện cười ra nước mắt. Ấy là vào dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu (cũ) quyết định “phô trương” sức mạnh kinh tế của mình bằng cách đưa những con lợn to vật ở nhiều nơi về dồn vào một khu chuồng lợn tập thể, với mục đích để cho các quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tham quan. Tất nhiên, nhiều ông “quan… liêu” rất vui mừng vì thấy ở một tỉnh miền núi nghèo xơ xác, mà thời đó Lai Châu được coi là tỉnh đầu tiên và nhanh nhất toàn quốc “hoàn thành kế hoạch phá rừng”, nay đã có những chuồng lợn con nào con nấy nặng cả tạ. Nhưng cánh phóng viên báo chí thì phát hiện ra trò láu cá này ngay, bởi lũ lợn từ tứ xứ dồn về xông vào cắn nhau chí tử, con nào con nấy thương tích đầy mình.
Rồi không chỉ đẻ ra chủ nghĩa thành tích, mà tính sĩ diện hão còn đẻ ra thói làm ăn gian dối, “làm thì láo, báo cáo thì hay”.
Các nhà kinh tế của chúng ta tự hào vì chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng thử hỏi đã mấy ai nghĩ rằng, vậy ở Việt Nam này còn bao nhiêu gia đình đang “chạy ăn từng bữa, thậm chí đứt bữa”.
Lại có một chuyện nực cười nữa là cách đây có lẽ đến gần chục năm, Việt Nam hồ hởi tuyên bố với thế giới rằng, đã xóa sạch nạn mù chữ, nhưng nếu bây giờ cho rà soát lại thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người vẫn đang mù chữ, trong đó có cả trẻ em đang tuổi đến trường.
Rồi cũng chính tính sĩ diện hão mà khiến nhiều người, đặc biệt là ngành giáo dục muốn cứ phải “bằng vai phải lứa” với thế giới. Ấy là họ bắt học sinh phải học ngoại ngữ. Trẻ con thành thị học ngoại ngữ thì còn được, đây là trẻ em ở miền núi, dân tộc ít người, nói tiếng Kinh chưa sõi cũng bắt học tiếng Anh. Rồi cán bộ, công chức miền núi khi thi tuyển cũng phải có bằng tiếng Anh, trong khi cái người ta cần là tiếng dân tộc ở nơi họ sẽ công tác thì lại chẳng được chú ý đến. Chẳng thế mà ở một số tỉnh, người ta bảo không biết tiếng Anh thì chẳng chết, nhưng không biết tiếng dân tộc thì có khi chết đói ngay vì không xin được củ khoai, củ sắn để ăn khi đi công tác. Năm 2000, khi vụ bạo loạn ở Tây Nguyên nổ ra, qua công tác nghiệp vụ, cơ quan công an thu được không ít băng ghi âm của một số đối tượng cầm đầu. Nhưng tìm ngược, tìm xuôi không được người dịch được tiếng dân tộc. Trong khi đó, cán bộ công an thì phải nô nức đi học tiếng Anh…
Có thể nói, tính sĩ diện hão của người Việt đang ngày một phát triển và gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho sự phát triển của đất nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục và mọi mặt của đời sống xã hội. Thế giới đang trở thành một thế giới phẳng, nhưng hình như những người có trách nhiệm xây dựng các chính sách, chủ trương, xây dựng phát triển đất nước cũng mắc tính sĩ diện, ấy là cái gì cũng muốn phải để được tự hào với thế giới. Đúng là phải phấn đấu, phải bằng những biện pháp quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước nhà và phải phấn đấu thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển, nhưng quan trọng nhất là phải biết nhìn vào thực chất và chính nội lực của mình.
Tại sao không biết xấu hổ khi gạo chúng ta xuất khẩu nhiều nhất nhưng giá trị lại thấp?
Tại sao không biết xấu hổ khi nước ta có hơn 80 triệu dân và hàng năm đầu tư cho thể dục thể thao không biết bao nhiêu tiền nhưng kỳ Olympic vừa rồi, Việt Nam không đứng vào hàng thứ bậc nào cả?
Tất nhiên, nếu bây giờ mổ xẻ những nguyên nhân ấy, các quan chức chịu trách nhiệm sẽ có vô vàn lý do để bào chữa cho sự yếu kém của mình, mà thực chất tất cả đều xuất phát từ tính sĩ diện hão. Rất hiếm quan chức Việt Nam dám thẳng thắn tuyên bố: “Sai lầm này, thất bại này là do tôi”, mà trước những thất bại, họ đều loanh quanh tìm cách đổ lỗi cho cơ chế lãnh đạo tập thể. Họ không dám nhận lỗi, cũng là vì sĩ diện hão.
Trong làm ăn kinh tế, phải lấy kết quả tài chính làm thước đo; trong thể thao, phải lấy thành tích làm đầu. Và muốn thế, đặc biệt là những người có trách nhiệm vạch ra chủ trương, chính sách, xây dựng kế hoạch… của từng địa phương, từng ngành phải biết dẹp đi tính sĩ diện hão của mình.

Hiểm họa từ sự mất niềm tin

Một trong những vấn đề lớn nhất mà xã hội này phải đương đầu là sự mất niềm tin trầm trọng. Niềm tin giữa người dân và chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau, tóm lại giữa người và người, và đặc biệt là niềm tin vào bản thân mình.
Cạn kiệt niềm tin
Cũng khoảng giờ này năm ngoái, khi mới chân ướt chân ráo trở về, sau khi có trải nghiệm thực tế, tôi có viết một bài báo nhỏ có tiêu đề: Câu chuyện của niềm tin.
Đại thể, tôi kể lại những va chạm thực tế để thấy rằng, mất niềm tin đang là cái đáng lo ngại nhất trong xã hội Việt Nam dưới con mắt cua người mới nhập cuộc. Vì thiếu niềm tin nên mọi việc bỗng trở nên khó khăn và tốn kém gấp bội. Cuộc sống bỗng trở nên toàn màu xám. Con người căng thẳng, hiệu năng làm việc thấp vì hợp tác kém, mà lý do chính là không tin nhau, nên dành thời gian kiểm soát nhau vì phối hợp làm việc chung.
Ngay lúc đó, tôi đã nhận ra rằng: Một trong những vấn đề lớn nhất mà xã hội này phải đương đầu là sự mất niềm tin trầm trọng. Niềm tin giữa người dân và chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau, tóm lại giữa người và người, và đặc biệt là niềm tin vào bản thân mình.
Sau đó, mỗi khi gặp mặt, ngay cả với giới tinh hoa, giữa những than thở, hay đằng sau ánh mắt xa xăm, là một sự chán nản và khắc khoải. Rất ít hy vọng và lòng tin trong các câu chuyện. Sau những lần như thế, tôi thấy rất mệt mỏi. Sinh lực dường như đã bị rút hết đi, đến mức nhiều khi sợ gặp gỡ, vì sợ phải nghe những lời than như vậy.
Trong số những người tôi quen biết mỗi người chọn một cách phản ứng khác nhau. Nhiều người chọn sự cam chịu. Nhiều người lảng tránh, lảng tránh thực tại, lảng tránh nhìn vào mắt đối diện.
Nhiều người giết thời gian trên bàn nhậu. Có tiền thị nhậu sang, ít tiền thì bình dân. Thanh niên ít tiền hơn thì giết thời gian trong các quán trà đá vỉa hè.
Người không thích nhậu, hoặc không đủ sức để nhậu hoặc không có tiền để nhậu thì vùi mình vào các trang lá cải, mỗi ngày ngốn hàng chục bài tin tức, na ná như nhau vô thưởng vô phạt. Sau đó bức súc một hồi, càm ràm hoặc nặng hơn là chửa đổng vài câu rồi lại vùi đầu đọc tiếp.
Nhiều người bức xúc quá có phản ứng mạnh. Nhưng như con cá nằm trên lưới, càng giẫy giụa càng đau đớn. Nên sau mỗi hồi mệt mỏi cũng đến lúc nằm im “makeno”.
Kinh tế khó khăn, tinh thần bức bối, đặc biệt phát ngôn của các quan chức, các nhà làm chính sách bỗng trở nên đáng ngờ. Các mạng lưới hoạt động trong xã hội giờ chỉ còn quan hệ huyết thống đáng tin cẩn.Vì thế, vun vén cho gia tộc xây dựng nhà thờ họ, đã trở thành một trong lối sống của những người có địa vị trong xã hội.
Xã hội như vận hành bởi bộ tiêu chuẩn kép. Ai cũng biết vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vẫn là như vậy.Nên ở cơ quan sống theo một chuẩn khác, về nhà lại một chuẩn khác nữa. Mỗi người phải đóng quá nhiều vai diễn, đến mức mệt mỏi kiệt quệ, mà không biết để làm gì.
Chưa bao giờ các hoạt động tâm linh cúng bái lại phát triển như hiện giờ, bất chấp khoa học đã phát triển nhiều hơn so với hàng chục năm về trước, thông tin cũng phong phú hơn nhiều.Vì sao vậy? Vì người ta không tin ở con người, nên đành tìm đến nơi thánh thần, dù biết rằng cũng nhiều kẻ lợi dụng việc này để trục lợi.
Nhiều lần đi qua các quán nhậu ven đường, tôi đã tần ngần tự hỏi: sao trong giờ làm việc lại đông người lang thang quán xá đến như vậy?
Những nơi tôi đi qua không ở đâu thấy đông thanh niên trai tráng ngồi lê la vỉa hè, cắn hạt bí, hạt hướng dương, uống nước chè, tập tạnh hút thuốc lào, nói bậy và chửi đổng…nhiều như trên vỉa hè Hà Nội, đặc biệt là các nơi cổng trường đại học.
Không ai nói chuyện khoa học, văn chương. Không ai quan tâm đến bảo tàng triển lãm. Không ai bàn tán về các thành tựu, khoa học, nhân văn mới. Không ai đả động đến ước mơ hay khát vọng.
Những buổi nói chuyện dành cho đại chúng về các chủ đề rất mới, do các học giả nổi tiếng thuyết trình, cũng không có nổi đến vài chục người tham dự. Mà nếu có thì vẫn những khuôn mặt ấy. Rất cũ!
Cả một thành phố bảy, tám triệu dân, hơn cả một nước người ta, vậy mà nhàm chán một cách không thể tưởng tượng được. Cuộc sống trở nên tầm thường và vụn vặt không thể tả.
Trên mặt bằng truyền thông thì còn những tệ hại hơn nhiều. Nếu rút tất cả những tin liên quan đến chuyện hở hang, chém giết, sốc, sex, giật gân thì bỗng thấy nhiều tờ báo sụp cái rầm vì trống trơn bài vở.
Một năm trôi qua, câu chuyện lại có phần thêm u ám. Một xã hội thiếu hụt niềm tin mỗi ngày thêm hiển hiện rõ nét qua từng việc cụ thể chứ không chỉ là cảm giác như ngày nào.
Mỗi khi cầm một xấp giấy tờ với chồng chất dấu mộc đỏ choét tôi không khỏi ngần ngại. Chưa ở đâu tôi thấy những văn bản giấy tờ cần nhiều dấu đỏ như vậy, qua nhiều cửa ải xét duyệt như vậy. Nhưng cũng chưa ở đâu sự giả mạo trở nên phổ biến, được giao bán công khai như ở đây.
Cái nguy hiểm của sự mất niềm tin này là sự bào mòn sinh khí. Nếu như sự sợ hãi làm cho con người ta co cụm, đến một lúc nào đó có thể tạo ra một sự phản ứng đủ mạnh để vượt qua, thì mất niềm tin không gây ra một cảm xúc mạnh như vậy. Nó chỉ là đơn giản là làm mất hết sinh khí, vì người dân không còn tin vào công lý, không tin vào chính quyền, không tin ai, và không tin ngay cả chính bản thân mình.
Kiệt quệ vốn xã hội
Còn nhớ mỗi khi bàn về vốn xã hội, tuy có nhiều cách tiếp cận và lý giải khác nhau, nhưng chúng tôi đều thống nhất ở một điểm: Niềm tin nằm ở trái tim của vốn xã hội. Đó là niềm tin giữa người với người, người với thể chế, người với chính bản thân mình.
Vậy là niềm tin, một khái niệm xa lạ với môn kinh tế học phát triển, đã có được chỗ đứng đàng hoàng trong lòng nhiều nhà kinh tế học.
Niềm tin đã trở thành một thứ vốn của xã hội. Mà đã là vốn thì có thể dùng để sinh lợi. Trong trường hợp này, niềm tin đã trở thành một thứ tài sản giúp cho xã hội hoạt động trơn tru hiệu quả hơn, chi phí giao dịch vì thế mà ít đi.
Khi có niềm tin thì việc gì cũng suôn sẻ dễ dàng. Điều này đúng quy mô cá nhân, đúng cả quy mô quốc gia.
Các chính trị gia lão luyện Đông Tây kim cổ đều đặt vấn đề xây dựng lòng tin với với dân mình lên hàng đầu. Ngay ở Việt Nam cũng có những ví dụ này từ xa xưa trong lịch sử. Tương truyền, để dân tin vào cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, trong lúc binh yếu lực mỏng, Nguyễn Trãi đã cho dùng mật mỡ viết lên tám chữ: Lê Lợi vì quân, Nguyễn Trãi vi thần lên lá đa. Kiến thấy vậy bu vào đục thành chữ. Người dân đọc được thì tin rằng đây đúng là mệnh trời. Bài học vỡ lòng dành cho các chính trị gia xem ra vẫn còn điều xa lạ.
Tất nhiên, bên cạnh niềm tin, thì vốn xã hội còn thêm các yếu tố khác nữa. Có thể kể hai trong các số đó: thói quen tập tục, truyền thông văn hóa ứng xử; và sự phong phú lành mạnh của các hội đoàn, tức của mạng lưới xã hội dân sự.
Tiếc rằng, cả hai yếu tố này cũng rất yếu. Đút lót hối lộ dường như đã trở thành văn hóa, gọi là văn hóa phong bì. Sự giả dối đã tràn vào cả trường học, nên bị gọi là “nỗi buồn lớn ngành giáo dục”
Cuộc khủng khoảng kinh tế kéo dài suốt mấy năm nay lại càng làm cho vốn xã hội thêm kiệt quệ. Lẽ ra nếu có một vốn xã hội thắt lưng đủ đầy, người dân sẽ dễ vượt qua những thời khắc khó khăn hơn. Vì tin nhau, tin vào quan chức và chính sách chung. Đằng này quan chức nói gì, dân chúng lại bảo nhau làm ngược lại.
Kinh tế rối loạn, lòng người hoang mang. Khó khăn càng thêm chồng chất không biết đến bao giờ mới gỡ được.
“Mất tiền là mất ít, mất bạn là mất nhiều, nhưng mất lòng tin là mất tất cả”. Người xưa đã tổng kết như vậy, nên thấy thực trạng này, không ai tránh khỏi sự buồn rầu.
Nhiều lúc nhìn xã hội như mớ bòng bong, không biết lần ra đằng nào. Mà lần ra được rồi thì cũng không gỡ ra được vì nó xoắn xuýt chặt chẽ vì lợi ích, vì bè phái, vì u mê.
Nguyên nhân vì đâu? Tất nhiên là vì cơ chế. Ai chả nói thế. Dễ nhất và trúng nhất. Nhưng cơ chế do ai làm ra? Tất nhiên là do con người, trong đó có tôi và bạn.
Nhưng cụ thể hơn, đó là cái gì của tôi và bạn? Sức khỏe, văn hóa, tri thức, học vấn, kỹ năng, tinh thần sáng tạo, ước mơ khát vọng, lòng quả cảm, sự dấn thân …hay còn gì khác nữa?
Câu trả lời là tất cả.
Đến đây lại thêm giật mình. Thì ra mọi thứ chưa tốt như mong đợi cũng có phần ta đóng góp. Vậy nên, thay vì trông chờ vào một sự thay đổi lớn hãy chủ động tạo ra những sự thay đổi nhỏ trước đã.
Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn.
Nhiều việc nhỏ góp lại sẽ thành việc lớn. Xưa nay vẫn thế, có cách nào khác được.
TS GIÁP VĂN DƯƠNG (THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)
        

Bài viết liên quan:
Thói sĩ diện hão của người việt ngày càng trầm trọng.
"Bệnh oai" - căn bệnh nan y của người Việt.

Hình thức sửa đổi theo niệm Phật


a. Sửa theo việc
Như hôm trước sát sanh, nay cấm sát sanh. Như hôm trước nóng giận, nay cấm nóng giận. Như vậy là sửa trên sư việc. Kềm ngọn mà không sửa gốc, điều đó rất khó, vì gốc bịnh vẫn còn. Kềm được tật này, tật khác lại trồi lên. Cho nên sửa ngọn không phải là môt phương pháp trừ sạch được bịnh gốc.
b. Sửa trên lý
Người khéo sửa lỗi, trước khi đặt điều cấm phải biết suy nghĩ lý do tại sao. Như lỗi sát sanh, phải hiểu rằng : Trời thích muôn loài vượng sống, không thích tàn sát. Mỗi loài vật đều muốn sống, đều sợ  chết. Giết chúng để  nuôi thân ta, lương tâm nào chấp nhận? Hơn nữa, đối với những loài vật bị giết, nào bị dao cắt, nào bị chảo chiên, những khổ đau đớn, thấu đến cốt tủy. Còn đối với chúng ta, giết chúng để  trưng bày cao lương mỹ  vị, ăn xong rồi cũng hết. Nếu ta thay thế  bằng ăn chay vẫn có thể  no bụng. Tại sao lại phải giết chúng để  tổn phước của mình ?Hơn nữa, nghĩ đến những loài vật có sanh mạng  đều có linh tánh và tri giác. Mà đã có linh tánh và tri giác thì chúng với ta cùng một bản thể. Chúng ta đã cảm thấy xấu hổ vì không đủ đạo đức để chúng kính ta thân ta (*), mà sao lại còn mỗi ngày giết chúng để chúng mãi thù ta oán ta ? Khi nghĩ đến như thế, sẽ thấy miếng thịt mà đau lòng thương xót, làm sao nuốt nổi ?
Như hôm trước nóng giận, nên nghĩ rằng : Ai cũng có sự  sơ sót, ta phải thông cảm. Nếu ai xâm chạm đến ta một cách phi lý, vậy lỗi người đó, can chi với ta? Có gì mà giận?Lại nghĩ thêm: Không hào kiệt nào mà tự  cao, cho mình là đúng hết. Không người trí
thức nào mà cứ oán trời trách người khi gặp những chuyện không vừa ý. Khi sự việc xảy đến không vừa ý, chỉ  vì đức hạnh ta tu còn kém, lòng chân thành chưa đủ  để  cảm  ứng trời mà thôi. Nếu mọi việc chúng ta đều biết tự  xét lại, thì dù gặp người hủy báng ta đó đều là cơ hội cho ta rèn luyện. Ta phải cảm thấy mừng mới đúng, có gì mà phải tức giận ? Hơn nữa, nếu ta nghe lời phỉ  báng mà không giận, thì dù lời hủy báng ác độc đến đâu, chẳng khác nào như đem lửa đốt trời, chẳng cháy được gì, rồi cũng sẽ  tắt. Ngược lại, nếu nghe những lời phỉ báng mà nổi giận. Dù hết lời biện hộ, chẳng khác nào như con tằm nhả tơ, tự  trói buộc mình mà thôi. Sự  nóng giận tai hại vô ích. Mỗi lần gặp lỗi lầm ta đều phải bình tĩnh sáng suốt để thấy lý của nó, khi lý đã rõ thì việc làm lỗi tự động sẽ dứt.
c. Sửa trong tâm
Thế  nào  là  sửa  trong  tâm  ?  Lỗi  lầm  thiên  hình  vạn  dạng  đều  do  tâm  tạo.  Nếu  tâm  ta không động  (1)  thì thiện ác  (2)  đâu mà có ? Những thói hư tật xấu như háo sắc, ham danh, tham của, hay nóng giận, v.v. đâu cần sửa từng điều một, chỉ  cần một lòng hướng thiện là chánh niệm hiễn bày trong lòng, tà niệm tất nhiên không chổ  dung thân. Như mặt trời mọc lên thì quỷ quái phải tìm đường lẩn trốn. Đây là chỗ then chốt của lý này. Tội do tâm tạo, sửa cũng do tâm. Như muốn trừ  một cây độc, chỉ  cần đốn ngay gốc, đâu cần bẻ  từng lá và chặt từng nhánh ?Nói chung, phương pháp hay nhất là sửa tâm vì khi gặp cảnh, tâm luôn thanh tịnh. Ta biết rõ những gì đang xẩy ra trong tâm. Nếu thấy tâm động, vọng niệm nổi lên, ta liền phát hiện mà không theo. Không theo thì lỗi đâu mà có ? Trong trường hợp áp dụng phương pháp sửa tâm không được, ta có thể dùng phương pháp lý luận để loại tà niệm. Nếu vẫn làm không được, ta còn có phương pháp giới luật để  cấm cản. Ta có thể  áp dụng cả  ba phương pháp cùng  một  lúc  vẫn  không  sao.  Nhưng  nếu  chỉ  cố  chấp  vào  phương  pháp  thấp  mà  bỏ  hẳn phương pháp cao là không hay rồi đó.
Chú thích:
(1) Tâm động : khi ngoại cảnh liên quan đến ta (chấp ngã), lòng  bị  tác động và trở  nên nóng bổng (động) mà ý nghỉ  (vọng niệm) nổi lên, liền có phản  ứng hành động. Ngược lai, nếu tu tâm có công phu, khi gặp cảnh, lòng bình tỉnh, trí sáng suốt.
(2) Tâm không động không thiện ác : Như đi ngoài đường gặp người bên cạnh té xỉu. Ngay lúc đó, ý nghỉ chưa khởi, ta phản ứng theo bản tánh, không có thiện ác. Sau lúc đó, nếu tâm động thì người thiện tính theo thiện, người ác tính theo ác.
Kết quả sửa đổi
Khi phát nguyện sửa đổi , chúng ta một mặt cần đến bạn bè nhắc nhở, mặt khác phải xin quỷ  thần  chứng  minh  gia  hộ.  Thành  tâm  sám  hối,  ngày  đêm  không  ngừng.  Sớm  thì  sau  7 ngày, 14 ngày, trễ thì một tháng, hai tháng hay nhiều nhất là ba tháng sẽ có kết quả. Như lòng cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, trí tuệ bừng sáng. Vì thế khi gặp phải những chuyện rắc rối
khó giải quyết hay những việc nhỏ  nhoi buồn phiền ta đều có thể  giải quyết nhanh chóng rõ ràng. Khi gặp chuyện oán thù đều có thể  hòa giải thành vui. Hoặc nằm mơ thấy nhả  ra đồ  dơ bẩn, hoặc thấy Phật, Bồ tát đưa tay tiếp đón, hoặc thấy nhẹ nhàng bay bổng, hoặc thấy lâu đài lộng lẫy, cờ và lọng bằng châu báu v.v… Những cảnh thù thắng đó nói lên nghiệp tội đã được tiêu trừ. Nhưng đừng nên vì vậy mà kiêu ngạo thỏa mãn, làm đứt đoạn con đường tiến lên.Ngày xưa có ông Cự  Bá Ngọc. Lúc  ông hai mươi tuổi đã cảm thấy không còn lỗi gì đểsửa nữa. Nhưng khi ông lên hai mươi mốt tuổi, nhìn lại tuổi hai mươi vẫn còn sót lại lỗi chưa sửa hết. Lên hai mươi hai tuổi vẫn còn thấy lỗi của tuổi hai mươi mốt chưa sửa hết. Vẫn còn thấy mình còn lờ  dờ,  chưa hết mình. Cứ  thế  cố  gắng cải sửa thêm nữa và thêm nữa, từ  năm này qua năm nọ, mãi đến năm năm mươi tuổi, vẫn còn thấy năm bốn mươi chín tuổi còn sót lỗi. Ngày xưa người ta sửa lỗi kỹ lưỡng đến như thế đó. Chúng ta đều là giới phàm phu, lỗi lầm đầy mình. Xưa không thấy lỗi nay thấy lỗi là chứng tỏ ta đã có tiến bộ, có thêm trí tuệ. Nếu nhìn lại quá khứ mà không thấy lỗi nào, thật sự người đó sống quá hời hợt không thấy gì cả. Ngược lại, nếu con người có nhiều lỗi lầm sâu nặng, sẽ  có những triệu chứng như tâm thần bị  hỗn loạn bế  tắt, hay lãng trí trầm trọng. Hay tự  nhiên cảm thấy bực bội không lý do. Hoặc gặp người phẩm hạnh cao quý thì cảm thấy hổ thẹn, ủ ê. Hoặc nghe người bàn luận điều đúng lẽ  phải mà cảm thấy không vui. Hoặc giúp người lại bị  người hiểu lầm oán trách. Hoặc ngủ  không  yên,  nhiều  ác  mộng.  Nếu  trầm  trọng  sẽ  phát  ngôn  bừa  bãi,  điên  cuồng.  Đó  là tướng của người làm nhiều tội ác. Nếu ai cảm thấy mình đúng trong trường hợp này nên lập tức quyết chí phấn đấu cải sửa, dứt khoát bỏ hết những tánh ác tật xấu, làm lại đời mới. Đùng nên trễ nãi.
-Trích-
Liễu Phàm Từ Huấn

10 yếu tố giúp bạn tự tin trong công việc và cuộc sống

1. Thích chính mình
Bước đầu tiên để tự tin hơn là phải chấp nhận và yêu thích bản thân. Bạn nên liệt kê tất cả những đặc điểm tích cực và điểm mạnh của mình trên một tờ giấy hoặc quyển sổ. Bằng cách này, bạn sẽ tự nhắc nhở rằng mình cũng có rất nhiều tố chất đáng quý như những người khác. Từ đó, bạn sẽ yêu thích bản thân và cảm thấy tự tin hơn nhiều.
2. Tham gia các hội thảo
Cách rất tốt để tăng thêm tự tin là bạn hãy tham gia các hội thảo chuyên đề về bí quyết và hướng dẫn có được tự tin do những chuyên gia trình bày. Bạn có thể lấy những ý chính hoặc quan sát những cử chỉ và phong thái mà họ thể hiện. Đọc thêm về Làm thế nào để giao tiếp tốt hơn?
3. Động viên bản thân
Dù chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn hay bài diễn văn, bạn hãy luôn tự nhủ rằng bạn sẽ làm được. Hãy động viên bản thân mỗi ngày và bạn sẽ thấy sự tự tin của mình không ngừng tăng lên. Một cách khác là hàng ngày sau khi đi học hoặc đi làm về, bạn nên liệt kê ít nhất 4 việc mà bạn đã làm tốt trong ngày hôm đó. –> Để tự tin bạn hãy học cách yêu quý và khám phá bản thân!
4. Vượt qua nỗi sợ hãi
Một số người lo sợ họ sẽ không thể thành công trong bất cứ việc gì. Điều đó sẽ là một bất lợi và làm mất sự tự tin của bạn vào chính mình, thậm chí cả những việc trong cuộc sống. Để từ bỏ cảm giác ấy, bạn hãy luôn nhắc nhở mình, sẽ không làm bất cứ việc gì một khi còn nỗi lo mình sẽ thất bại. Hãy tích cực và hãy làm việc hăng say.
5. Chấp nhận thất bại
Nếu bạn luôn luôn khóc lóc sau những thất bại, thì bạn sẽ chẳng thể nào tiến bộ được. Hãy nhớ rằng, những sai lầm và những thất bại đã qua không thể đảo ngược lại. Một người tự tin luôn nhìn về quá khứ để sống cho hiện tại và hướng đến tương lai. Nếu bạn thất bại một lần, không sao cả, hãy lấy nó làm bài học cho mình.
6. Hãy vận động
Bạn nên chịu khó thả bộ. Bạn cũng có thể đạp xe và làm việc cho đến khi toát mồ hôi. Tập các bài tập cho não và phổi, điều này sẽ làm tăng sức mạnh thể lực, xóa bỏ mọi nỗi tức giận và khó chịu. Bạn sẽ cảm thấy mình dồi dào sinh lực, làm việc hiệu quả tự tin. Không có gì tuyệt vời hơn khi thấy bạn trong dáng vẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh hồng hào. Hãy ra khỏi ghế ngồi và tỏ ra năng động, mạnh mẽ. Đọc thêm các bài viết về kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn có thêm sự tự tin và xử lý tốt các tình huống trong cuộc sống.
7. Hãy quan tâm đến hình thức
Mọi người thường để ý đến điều này đầu tiên. Những gì bạn mặc đều thể hiện tính cách, sở thích, phong thái của bạn. Nếu bạn ăn mặc kệch cỡm, không thích hợp, đồng nghiệp sẽ đánh giá thấp bạn. Khi bạn để ý đến cách ăn mặc, bạn nên tự hỏi mình muốn mọi người hiểu mình là người như thế nào? Mình muốn gây ấn tượng với những người nào? Chúng ta đang đề cập đến văn hóa thời trang hay chỉ là nhiều bộ quần áo kiểu cách; chúng ta đang muốn nói đến tính hiệu quả, sự phù hợp trong môi trường nhất định.
Vậy các bạn nên lưu tâm đến 4 nhân tố sau:
Sự phù hợp: Dù bạn là ai thì bạn nên nhớ là cách ăn mặc của bạn cần phải luôn phù hợp với môi trường hoạt động.
Sạch sẽ: Hãy thận trọng với những loại máy giặt vì chúng có thể làm hỏng quần áo của bạn mà không biết. Hãy chú ý đến sự sạch sẽ gọn gàng, tránh quần áo tuột chỉ, hay quên cài cúc..
Giày dép: Nên nhớ rằng mọi người đều rất để ý đến giày dép vì một lẽ họ hay nhìn xuống và hay lo lắng. Vậy bạn hãy luôn giữ cho đôi giày của mình sáng bóng, sạch sẽ.
Hãy luôn mỉm cười: Nụ cười tươi bừng sáng trên khuôn mặt sẽ làm cho chính bạn dễ chịu và làm cho người khác thoải mái, vui vẻ.
8. Hít thở
Cần phải biết giữ gìn và tự kìm nén, nín thở khi cần thiết. Hãy học cách hít thở sâu, điều này cần thiết để giúp bạn bình tĩnh, kiềm chế những cơn nóng giận. Hít thật sâu trong lồng ngực, đây là cái thở từ dạ dày. ==> Một số bài tập rèn luyện tính tự tin cho bản thân
9. Sống nguyên tắc
Giữ vững quan điểm của mình. Hãy đúng giờ và biết lo lắng đến trách nhiệm hiện tại. Không theo đuổi một mục đích không rõ ràng mà phải biết nhận thức và nắm cơ hội. Nhớ rằng mọi nguyên tắc đều có tác động rất lớn với các quan hệ nghề nghiệp (chuyên môn) cũng như các quan hệ cá nhân của bạn.
10. Cho và nhận
Hãy cho những gì bạn muốn nhận. Nếu bạn muốn được tôn trọng và yêu quý, hãy tôn trọng và yêu quý mọi người. Nếu bạn muốn thành công thì hãy giúp người khác thành công. Nếu bạn muốn vui vẻ hơn hãy cứ vui vẻ đi, hãy mở lòng mình, hãy tự công nhận những thành công của mình, hãy tự tạo ra niềm vui để tự tận hưởng niềm vui ấy. Bạn hãy luôn tự nhủ về công việc những việc này thật sẽ chẳng có gì là không thể làm được.
Những người tự tin nhất là những người sống đơn giản. Họ luôn làm cho cuộc sống có ý nghĩa.
-Trích- 

Góc âm nhạc - Dân ca

Lần này là Dân ca Nam Bộ
Thỉnh thoảng nghe dân ca Nam Bộ mà hay quá. Chắc bởi vì sự hội tụ các giọng ca chất kèm với những bài hát đi vào lòng người từ lâu. Liên khúc Cẩm Ly hay nhất 2013 cùng 6 ca sĩ hát về 6 tỉnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Rất hay nhé! :D

https://www.youtube.com/watch?v=z0NCGg9iKBo

A little moment about life daily!



[...]Những ngày nghỉ về quê có nhiều cảm xúc, khoảnh khắc khác nhau mà nó đeo bám tôi từ lúc về cho tới bây giờ. Được về quê nhà đối với tôi nó là một dịp rất đặc biệt. Tôi được ở bên cha mẹ, để được ăn cơm do mẹ nấu, để được nghe cha tôi dạy bảo. Đặc biệt là vào đúng dịp 30/4 này, mỗi giờ ăn cơm hay xem ti vi là cha tôi không ngừng “giảng” cho tôi về những điều trong chiến tranh, về lịch sử cách mạng. Có thể nói kiến thức lịch sử cách mạng tôi không bằng một nửa của cha tôi và chắc chắn tôi cũng tự hào về điều đó. Tôi tự nhủ lòng mình “Làm sao mình có thể nhớ được lịch sử và có nhiệt huyết mạnh mẽ về Đảng và cách mạng giống như cha mình được!” vì tôi cũng muốn sau này có cái để mà dạy dỗ, có lý mà giải thích hay là kể lại cho con cái về những điều này – những điều mà chắc chắn tivi hay sách báo sẽ còn nói đến rất nhiều. Về quê, tôi luôn được sống lại với những kỷ niệm tuổi thơ vì mọi thứ xung quanh nơi này nó đều gắn với tôi nhiều khoảnh khắc khác nhau. Tôi có thể tự tin nói rằng: “Tuổi thơ tôi là đẹp nhất thế gian này!”. Hơi sến một tí, biết rằng một số bạn còn đẹp hơn tôi :D nhưng tôi cực kỳ thích thú mỗi khi nghĩ về tuổi thơ.Tôi  sẵn sàng ngồi để kể về tất cả những gì mà tuổi thơ tôi đã trải qua hay đơn giản là ngồi viết lại những gì đã qua. Tôi đang dự định trong thời gian không lâu nữa tôi phải ngồi và lưu lại những kí ức về quãng thời gian đó[…]
Một trong những câu chuyện mà tôi sắp kể cho các bạn nghe sau đây, để lại cho tôi nhiều suy tư nhất.
Câu chuyện sau đây nói về một người trong họ hàng có hoàn cảnh khó khăn, tôi sẽ không kể quá nhiều chi tiết vì thực sự nó là một câu chuyện tế nhị. Hy vọng bạn đọc hiểu nỗi lòng và tình cảm của tôi.
“Ngày hôm đấy, tôi chạy xe đi lòng vòng để ghé thăm nhà một số người thân trong họ hàng. Cũng tầm 4 giờ chiều, đầu tiên tôi qua nhà của đứa cháu, năm nay nó thi vào đại học và “trách nhiệm” của tôi là tới dạy cho nó một số bài Hóa, Toán trong đề thi mà tôi chắc nó đang mắc. Đã 3 năm trôi qua rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy “tràn đầy” kiến thức và sức mạnh khi cầm những cái đề thi thử Đại học của cô bé đó đưa cho. Tôi lao vào giảng bài cho nó một mạch, và đúng vậy nó đang hổng kiến thức khá nhiều. Tôi và nó làm bài từ lúc đó cho tới 6 giờ chiều không nghỉ ngơi. Trời bắt đầu sẫm tối, những thanh niên đã không còn đá bóng nữa, họ ra về và hẹn nhau tối nay gặp lại sau […]. Tôi đi khỏi phòng học đúng lúc mẹ của cô bé vừa đi làm về, chị cố giữ chân tôi ở lại ăn cơm. Nhưng tôi quyết định không ở lại vì sợ làm phiền họ, với lại người cũng chưa tắm, và tôi cũng phải về ăn cơm với cha mẹ tôi vì về có được mấy bữa với cha mẹ đâu. Thế là tôi lên xe và phóng xe định về thẳng nhà, nhưng khi đi qua nhà của họ hàng-cùng máu mủ với gia đình tôi, một cảnh tượng xuất hiện trước mắt, có cái gì đó níu chân lại, tôi vội vàng quay xe và chầm chậm đi vào nhà họ. Trời đã tối nhưng tôi vẫn thấy một căn nhà sẫm đen lại bao trùm cả một khoảng rộng, thấp thoáng sâu bên trong nhà có một ánh điện mờ của bóng đèn dây tóc có vẻ đã lâu và sáng rất yếu. Tôi gọi “Bác … Ơi!”, chầm chậm bước ra từ trong căn nhà tối đó. Một người phụ nữ , đang chống 2 tay 2 gậy, khập khiễng bước ra hỏi “Ai đó?” Tự nhiên tim tôi đập nhanh, hoảng hốt và không còn nhận ra đó là ai nữa, nhưng giọng nói thì không thể nào quên được –đó là Bác gái. Khóe mắt tôi cay cay, tôi bước xuống xe tiến lại gần hơn. Người phụ nữ đã gầy guộc đi một cách kì lạ so với trước đây, da đã bọc xương, chân tay rất yếu ớt, khuôn mặt đã khắc lên hết nỗi lòng của Bác. Tôi nói “Cháu Ư đây! Cháu được nghỉ nên về quê chơi ít ngày, cái chân của Bác bựa Tết giừ mà vẫn chưa thôi à!”. Bác nói “Vào đi cháu”. Tối cẩn thận bước vào nhà rồi bật bóng lên. Bác nhìn thấy tôi và khóc òa lên như một thể rất uất ức khổ cực. Tiếng khóc đó nó vẫn còn rất rõ trong đầu tôi cho tới bây giờ. Bác bị tai nạn, mà là tai nạn xe đạp, đi một mình bị vướng ngã bị gãy xương đùi trong một lần đi đòi sự “công bằng” với ông xóm Trưởng[…]. Trước đây Bác rất vui tính và thoải mái. Cả Bác trai ruột nữa (Bác ấy đã mất), họ luôn để dành kẹo cho tôi để khi nào tôi sang chơi, hoặc không thì Bác Trai qua nhà và mang cho tôi để được bồng bế và đặc biệt là vặn “con chim non” của tôi. Nhớ lại mà thương Bác ấy quá!! Nhà Bác có 2 người con trai, 2 chị gái (đã lấy chồng) […]. Một chút về phía Tôi thì là đứa cháu nhỏ tuổi nhất của Ông Bà nội và kể cả ngoại (trừ một Chị kém tôi một tuổi) nên đi đâu tôi cũng có được cảm giác cưng chiều- điều này cũng đúng trong gia đình tôi[…].
Tôi đỡ Bác ngồi xuống rồi, ngồi vỗ vai động viên Bác. Cơn nấc nhẹ dần, bình tĩnh rồi Bác kể cho tôi về bệnh tình và hoàn cảnh thực tại[…]. Thực sự tôi thấy khổ sở quá, thật tội nghiệp. Gia đình Bác gặp nhiều khó khăn hơn trong tất cả các anh em của Cha tôi. Trong số anh chị em con của các Bác, các cô cũng có tới 4-5 Y-Bác sỹ giỏi trong bệnh viện, 3-4 anh chị là giáo viên các trường học và nhiều anh chị cũng thành đạt nữa. Vậy mà gia đình Bác lại khiêm tốn đến mức vậy. Tôi và Bác trò chuyện, Bác kể cho tôi nghe hết, dường như bác không có hoặc ít khi được chia sẽ điều này với ai đó hoặc đơn giản là không muốn kêu ca với ai[…] Trời đã tối hẳn, gần 7 giờ rồi. Tôi hỏi “Bác mần chi ở nhà dưới mà cháu thấy tối tối rứa”. Bác thở dài rồi nói “Bác đang chụm bếp lửa, đã mấy tháng nay không dùng tới bếp củi đã nguội lạnh, củi không đun tới đã bị Mối ăn mòn dần”. Do Bác phải vào viện điều trị mấy tháng rồi ở lại nhà của cô con gái trong Thành phố Vinh – chị ấy lấy chồng và công tác trong đấy, ở cách lế với lại lo làm ăn cũng ít khi về thăm mẹ được […]. Bác nhìn xuống bếp bảo “cái bóng đã cháy từ lâu nhưng thằng L… nó chưa thay cho Bác, nên phải dùng đèn soi để thắp lửa lên. Chứ cơm thì Bác nấu cơm điện rồi.” Bác đã phải lê lết với đôi chân của mình, rồi phải sắp đặt, đi lại làm một số công việc nhẹ-những công việc mà ko ai vào đấy làm hộ được kể cả mấy đứa con. Tôi bật điện thoại lên và xuống bếp kiểm tra thì bóng đã cháy, tôi lên nhà trên thấy đang có 2 bóng ở khá là gần nhau nên tôi quyết định kéo một bóng xuống. Công việc khá  đơn giản mà sau anh L.. lại không làm được cho mẹ, để cả một bóng tối bao kín căn nhà bếp. Rồi tiếp đến là quạt lò, nó cũng hỏng gì không biết, có thể đã cháy, tôi cũng không có đồ gì mà kiểm tra cho Bác được. Bác nói “Được rồi cháu à. Để đấy Bác tự lo được”. Bác ngồi xuống, rồi bắt đầu thắp lửa. […] Lúc tôi ra về thì đúng lúc anh trai nhà Bác đi về. Lại thấy một con người, dù đang thanh niên nhưng có vẻ chán đời. Tôi nói “Anh! Dạo này khỏe chứ? Anh có điện thoại ai gọi đấy” Anh ấy bắt tay rồi mời tôi ở lại ăn cơm, chặc lưỡi anh nói “Bọn đấy gọi đi uống rượu đấy, mệt lắm chú à”. Hỏi dăm ba câu, rồi chào tạm biệt sau khi tôi từ chối ở lại. Ngay sau đó, anh chạy thật nhanh tới túi quần để nghe điện thoại, chắc các bạn cũng tưởng tượng ra điều gì sau đó. […] Tôi về nhà, trên đường về tôi có cảm giác thương xót lắm, một cảnh người buồn bã, chán nản, người mẹ gầy gò, bệnh tật, bức xúc về cuộc sống, về con cái. Một thanh niên suốt ngày chơi bời, rượu chè, bất hiếu với cha mẹ. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi là anh ruột của đồng chí này thì sẽ có sự thay đổi không hề nhẹ. Tôi chắc chắn!!!
Tôi về đến nhà, cha mẹ tôi đã nấu xong cơm, và đang chờ tôi về ăn cùng. Tôi hơi đói, không kịp tắm, vào ăn luôn. Tôi không nói chuyện rôm rả như bữa thường cho tới khi cha tôi hỏi tôi đi đâu, làm gì[…].”
Cuộc sống nhiều lúc ta muốn làm điều gì đó cho ai đó nhưng ta lại không làm được chỉ còn cách ngồi chia sẻ, an ủi họ thôi. Vì tôi cũng chưa làm được gì cho gia đình mình. Đã rất nhiều lần về quê tôi đều nói về chuyện anh em ruột thịt, họ hàng gần xa, đặt câu hỏi với cha tôi rằng: Anh em trong họ hàng trừ anh em ruột thịt ra thì càng lâu về sau có còn nhớ đến nhau nữa không cha/mẹ? Rồi lại một cây – người ta thường gọi là Gia phả, được vẽ rộng ra, sâu hơn đến lúc ta không còn tìm thấy nó nữa hoặc rất hiếm khi gặp, nó chỉ được lưu lại trong gia đình của Trưởng Tộc. Ai nấy lại quay cuồng lo cho cuộc sống gia đình họ. Mãi…Mãi… thậm chí lại có người nào đó khai sinh sang họ khác ví dụ như họ Bùi Trọng lại rẽ sang Bùi Quang, Bùi Trung, Bùi khắc, Bùi Quốc… tự nhiên nó đã khác đi rất xa rồi.
Người sống, rồi lại chết đi để trở về với cát bụi. Về quê mà nghe mấy vụ kiểu như đột tử (5-6 trường hợp), ung thư, … đang cận kề cái chết. Đúng là chúng ta không quyết định được mạng sống của mình. Do vậy ngay giờ đây, chúng ta đang được sống- nói đúng hơn là đang hưởng thụ những gì đẹp nhất của Đất trời thì hãy cố gắng sống cho trọn, cho đẹp. Yêu thương nhiều hơn, chia sẽ, quan tâm nhiều hơn, đừng oán trách nhiều để cuộc sống có nhiều ý nghĩa. Tôi tâm đắc một câu nói của Steven Job rằng: “Hãy sống như thể ngày mai bạn chết. Hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ.” Cuộc sống còn muôn màu, còn đợi ta nhiều do vậy đừng ngồi đó mà lãng phí thời gian, hay oán hận số phận. Hãy đứng lên! Và hành động một cách mạnh mẽ, kiên trì và làm việc cật lực. Hãy tận hưởng cuộc sống theo cách của bạn.
by Bùi Ước