Từ xa xưa cho đến bây giờ, loài
người vẫn phải gian truân gánh chịu nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo và
bao điều bất hạnh khác xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, làm cho chúng
ta phải lo lắng, tìm cách phòng chống!
Thực
tế thì những căn bệnh quái ác “tứ chứng nan y” như phong lao cổ trướng,
đậu mùa…ngày nay không còn là nỗi kinh hoàng nữa. Tuy nhiên một số
bệnh, trong đó có những bệnh xã hội mà nhiều người hiện đang quan tâm,
đó là “bệnh oai, bệnh điếu đóm, bệnh sĩ, bệnh vô cảm, bệnh cố chấp, bệnh
chuyên quyền”… vẫn đang còn diễn ra.
Để góp phần hội chẩn và điều trị loại
bệnh này cho sạch, đẹp môi trường sống, người viết bài này đâu dám đa
ngôn, xin bạn đọc gần xa hãy cùng tôi quan tâm đến “bệnh oai” trước.
Vâng! “Bệnh oai” thật trớ trêu đã có từ
bao thuở, vẫn đeo đẳng theo mãi con người! Ấy là muốn nói cái oai mà
người ta cứ cố “lên gân” để cho oai phong, oai vệ, đạt “kẻ cả” lẫy lừng,
anh hào nhất khoảnh. Nó không đơn giản như thịt, cá, tôm, cua… khi mà
bị oai (thiu) là có mùi, dễ nhận biết. Đằng này, “bệnh oai” của con
người rất đa dạng và oái ăm, lây truyền không kém gì “vi trùng”. Nó có
thể truyền từ đời này qua đời khác và không loại trừ ai! Xem ra phòng
chống loại bệnh này đến nay trên thế giới chưa thấy có thuốc gì đặc
hiệu? Vậy nên “bệnh oai” vẫn cứ sống ngất ngưởng gây nhiều phiền hà, tai
quái, nhiễu nhương, làm hại cho đời. Bao chuyện nực cười, mệt người, mà
đang gây tốn công, tốn của!
Nhiều người muốn cải thiện môi trường
sống sao cho văn minh, lễ độ, có văn hoá, đã mang “bệnh oai” ra hội
chẩn. Nhiều ý kiến thống nhất rút ra một số triệu chứng thường gặp như
sau:
- “Bệnh oai” rất háo danh, chuộng lợi,
chuyên quyền, độc đoán, bảo thủ, cực đoan. Hay khuệnh khoạng, vênh váo,
vỗ ngực hơn người, chưa đỏ đã lấy làm chín, nói năng thô kệch, phũ
phàng, ngắn chữ, đôi khi còn tàn bạo. Thường hay ăn tục, nói to, vô lễ,
dối trá, lừa lọc, lố bịch đến trơ trẽn, có hại tới cơ đồ và kinh tế…
- “Bệnh oai” thường hay khoe mẽ, thích
làm sang, lười lao động, bất tài vô dụng, nhưng lại muốn người khác phải
phục tùng, tôn trọng.
- “Bệnh oai” giấu dốt, sợ sai, ngang
tàng, lý sự, “được cãi cùng, thua cãi cố”, hay thách đố “gắp lửa bỏ tay
người”, thường lừa thày, phản bạn, mưu hại bề tôi.
- “Bệnh oai” thích ăn ngon, mặc đẹp và tỏ ra khó chịu khi thấy người khác giỏi giang, thành đạt.
- “Bệnh oai” khi có quyền, có tiền dễ
vung tay quá trán, ưa nịnh bợ, sống vô cảm, dễ quên bạn bè, ít lắng
nghe, thường lấy oán trả ân, học đòi, xa rời quần chúng, hay ba hoa,
khoe mẽ.
Với người mắc “bệnh oai”, từ xa xưa ông cha ta đã từng phê phán:
Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà vợ hỏi cám rang đâu mày
Đó là những người sống ưa mẽ, vô tích sự. Trớ trêu và hài hước hơn:
Cậu cai nón dấu lông gà
Cổ tay đeo nhẫn gọi là cậu cai
Ba năm được một bận sai
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê
Hoạ cũng có người bị lầm để rồi phải
luyến tiếc, ân hận với những điều oai mà rỗng, tưởng ghê gớm mà rất
thường, hèn thấp, vô dụng đến vô duyên:
Tưởng anh bóng cả cây cao
Em tựa lưng vào che nắng, che mưa
Nào ngờ cành cộc, lá thưa
Giọt nắng cũng đến, giọt mưa cũng vào
Thế rồi khi biết ra đã muộn, chỉ biết tiếc công, tiếc của, ân hận.
Việc giải quyết “bệnh oai” cũng như các bệnh xã hội khác mà khuôn khổ
bài viết này chưa có dịp đề cập, nhiều ý kiến của “hội chẩn” và hội
thảo đã cho rằng nó giống như một thứ bệnh, phải phòng chống kiên trì,
có biện pháp sắc bén, để hạn chế những “nọc độc”, biến chứng oái oăm,
giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho cộng đồng trong thời kỳ đổi mới,
thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã và đang được Đảng và
Nhà nước ta quan tâm.Theo TẠP CHÍ CỬA BIỂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét