Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

A little moment about life daily!



[...]Những ngày nghỉ về quê có nhiều cảm xúc, khoảnh khắc khác nhau mà nó đeo bám tôi từ lúc về cho tới bây giờ. Được về quê nhà đối với tôi nó là một dịp rất đặc biệt. Tôi được ở bên cha mẹ, để được ăn cơm do mẹ nấu, để được nghe cha tôi dạy bảo. Đặc biệt là vào đúng dịp 30/4 này, mỗi giờ ăn cơm hay xem ti vi là cha tôi không ngừng “giảng” cho tôi về những điều trong chiến tranh, về lịch sử cách mạng. Có thể nói kiến thức lịch sử cách mạng tôi không bằng một nửa của cha tôi và chắc chắn tôi cũng tự hào về điều đó. Tôi tự nhủ lòng mình “Làm sao mình có thể nhớ được lịch sử và có nhiệt huyết mạnh mẽ về Đảng và cách mạng giống như cha mình được!” vì tôi cũng muốn sau này có cái để mà dạy dỗ, có lý mà giải thích hay là kể lại cho con cái về những điều này – những điều mà chắc chắn tivi hay sách báo sẽ còn nói đến rất nhiều. Về quê, tôi luôn được sống lại với những kỷ niệm tuổi thơ vì mọi thứ xung quanh nơi này nó đều gắn với tôi nhiều khoảnh khắc khác nhau. Tôi có thể tự tin nói rằng: “Tuổi thơ tôi là đẹp nhất thế gian này!”. Hơi sến một tí, biết rằng một số bạn còn đẹp hơn tôi :D nhưng tôi cực kỳ thích thú mỗi khi nghĩ về tuổi thơ.Tôi  sẵn sàng ngồi để kể về tất cả những gì mà tuổi thơ tôi đã trải qua hay đơn giản là ngồi viết lại những gì đã qua. Tôi đang dự định trong thời gian không lâu nữa tôi phải ngồi và lưu lại những kí ức về quãng thời gian đó[…]
Một trong những câu chuyện mà tôi sắp kể cho các bạn nghe sau đây, để lại cho tôi nhiều suy tư nhất.
Câu chuyện sau đây nói về một người trong họ hàng có hoàn cảnh khó khăn, tôi sẽ không kể quá nhiều chi tiết vì thực sự nó là một câu chuyện tế nhị. Hy vọng bạn đọc hiểu nỗi lòng và tình cảm của tôi.
“Ngày hôm đấy, tôi chạy xe đi lòng vòng để ghé thăm nhà một số người thân trong họ hàng. Cũng tầm 4 giờ chiều, đầu tiên tôi qua nhà của đứa cháu, năm nay nó thi vào đại học và “trách nhiệm” của tôi là tới dạy cho nó một số bài Hóa, Toán trong đề thi mà tôi chắc nó đang mắc. Đã 3 năm trôi qua rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy “tràn đầy” kiến thức và sức mạnh khi cầm những cái đề thi thử Đại học của cô bé đó đưa cho. Tôi lao vào giảng bài cho nó một mạch, và đúng vậy nó đang hổng kiến thức khá nhiều. Tôi và nó làm bài từ lúc đó cho tới 6 giờ chiều không nghỉ ngơi. Trời bắt đầu sẫm tối, những thanh niên đã không còn đá bóng nữa, họ ra về và hẹn nhau tối nay gặp lại sau […]. Tôi đi khỏi phòng học đúng lúc mẹ của cô bé vừa đi làm về, chị cố giữ chân tôi ở lại ăn cơm. Nhưng tôi quyết định không ở lại vì sợ làm phiền họ, với lại người cũng chưa tắm, và tôi cũng phải về ăn cơm với cha mẹ tôi vì về có được mấy bữa với cha mẹ đâu. Thế là tôi lên xe và phóng xe định về thẳng nhà, nhưng khi đi qua nhà của họ hàng-cùng máu mủ với gia đình tôi, một cảnh tượng xuất hiện trước mắt, có cái gì đó níu chân lại, tôi vội vàng quay xe và chầm chậm đi vào nhà họ. Trời đã tối nhưng tôi vẫn thấy một căn nhà sẫm đen lại bao trùm cả một khoảng rộng, thấp thoáng sâu bên trong nhà có một ánh điện mờ của bóng đèn dây tóc có vẻ đã lâu và sáng rất yếu. Tôi gọi “Bác … Ơi!”, chầm chậm bước ra từ trong căn nhà tối đó. Một người phụ nữ , đang chống 2 tay 2 gậy, khập khiễng bước ra hỏi “Ai đó?” Tự nhiên tim tôi đập nhanh, hoảng hốt và không còn nhận ra đó là ai nữa, nhưng giọng nói thì không thể nào quên được –đó là Bác gái. Khóe mắt tôi cay cay, tôi bước xuống xe tiến lại gần hơn. Người phụ nữ đã gầy guộc đi một cách kì lạ so với trước đây, da đã bọc xương, chân tay rất yếu ớt, khuôn mặt đã khắc lên hết nỗi lòng của Bác. Tôi nói “Cháu Ư đây! Cháu được nghỉ nên về quê chơi ít ngày, cái chân của Bác bựa Tết giừ mà vẫn chưa thôi à!”. Bác nói “Vào đi cháu”. Tối cẩn thận bước vào nhà rồi bật bóng lên. Bác nhìn thấy tôi và khóc òa lên như một thể rất uất ức khổ cực. Tiếng khóc đó nó vẫn còn rất rõ trong đầu tôi cho tới bây giờ. Bác bị tai nạn, mà là tai nạn xe đạp, đi một mình bị vướng ngã bị gãy xương đùi trong một lần đi đòi sự “công bằng” với ông xóm Trưởng[…]. Trước đây Bác rất vui tính và thoải mái. Cả Bác trai ruột nữa (Bác ấy đã mất), họ luôn để dành kẹo cho tôi để khi nào tôi sang chơi, hoặc không thì Bác Trai qua nhà và mang cho tôi để được bồng bế và đặc biệt là vặn “con chim non” của tôi. Nhớ lại mà thương Bác ấy quá!! Nhà Bác có 2 người con trai, 2 chị gái (đã lấy chồng) […]. Một chút về phía Tôi thì là đứa cháu nhỏ tuổi nhất của Ông Bà nội và kể cả ngoại (trừ một Chị kém tôi một tuổi) nên đi đâu tôi cũng có được cảm giác cưng chiều- điều này cũng đúng trong gia đình tôi[…].
Tôi đỡ Bác ngồi xuống rồi, ngồi vỗ vai động viên Bác. Cơn nấc nhẹ dần, bình tĩnh rồi Bác kể cho tôi về bệnh tình và hoàn cảnh thực tại[…]. Thực sự tôi thấy khổ sở quá, thật tội nghiệp. Gia đình Bác gặp nhiều khó khăn hơn trong tất cả các anh em của Cha tôi. Trong số anh chị em con của các Bác, các cô cũng có tới 4-5 Y-Bác sỹ giỏi trong bệnh viện, 3-4 anh chị là giáo viên các trường học và nhiều anh chị cũng thành đạt nữa. Vậy mà gia đình Bác lại khiêm tốn đến mức vậy. Tôi và Bác trò chuyện, Bác kể cho tôi nghe hết, dường như bác không có hoặc ít khi được chia sẽ điều này với ai đó hoặc đơn giản là không muốn kêu ca với ai[…] Trời đã tối hẳn, gần 7 giờ rồi. Tôi hỏi “Bác mần chi ở nhà dưới mà cháu thấy tối tối rứa”. Bác thở dài rồi nói “Bác đang chụm bếp lửa, đã mấy tháng nay không dùng tới bếp củi đã nguội lạnh, củi không đun tới đã bị Mối ăn mòn dần”. Do Bác phải vào viện điều trị mấy tháng rồi ở lại nhà của cô con gái trong Thành phố Vinh – chị ấy lấy chồng và công tác trong đấy, ở cách lế với lại lo làm ăn cũng ít khi về thăm mẹ được […]. Bác nhìn xuống bếp bảo “cái bóng đã cháy từ lâu nhưng thằng L… nó chưa thay cho Bác, nên phải dùng đèn soi để thắp lửa lên. Chứ cơm thì Bác nấu cơm điện rồi.” Bác đã phải lê lết với đôi chân của mình, rồi phải sắp đặt, đi lại làm một số công việc nhẹ-những công việc mà ko ai vào đấy làm hộ được kể cả mấy đứa con. Tôi bật điện thoại lên và xuống bếp kiểm tra thì bóng đã cháy, tôi lên nhà trên thấy đang có 2 bóng ở khá là gần nhau nên tôi quyết định kéo một bóng xuống. Công việc khá  đơn giản mà sau anh L.. lại không làm được cho mẹ, để cả một bóng tối bao kín căn nhà bếp. Rồi tiếp đến là quạt lò, nó cũng hỏng gì không biết, có thể đã cháy, tôi cũng không có đồ gì mà kiểm tra cho Bác được. Bác nói “Được rồi cháu à. Để đấy Bác tự lo được”. Bác ngồi xuống, rồi bắt đầu thắp lửa. […] Lúc tôi ra về thì đúng lúc anh trai nhà Bác đi về. Lại thấy một con người, dù đang thanh niên nhưng có vẻ chán đời. Tôi nói “Anh! Dạo này khỏe chứ? Anh có điện thoại ai gọi đấy” Anh ấy bắt tay rồi mời tôi ở lại ăn cơm, chặc lưỡi anh nói “Bọn đấy gọi đi uống rượu đấy, mệt lắm chú à”. Hỏi dăm ba câu, rồi chào tạm biệt sau khi tôi từ chối ở lại. Ngay sau đó, anh chạy thật nhanh tới túi quần để nghe điện thoại, chắc các bạn cũng tưởng tượng ra điều gì sau đó. […] Tôi về nhà, trên đường về tôi có cảm giác thương xót lắm, một cảnh người buồn bã, chán nản, người mẹ gầy gò, bệnh tật, bức xúc về cuộc sống, về con cái. Một thanh niên suốt ngày chơi bời, rượu chè, bất hiếu với cha mẹ. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi là anh ruột của đồng chí này thì sẽ có sự thay đổi không hề nhẹ. Tôi chắc chắn!!!
Tôi về đến nhà, cha mẹ tôi đã nấu xong cơm, và đang chờ tôi về ăn cùng. Tôi hơi đói, không kịp tắm, vào ăn luôn. Tôi không nói chuyện rôm rả như bữa thường cho tới khi cha tôi hỏi tôi đi đâu, làm gì[…].”
Cuộc sống nhiều lúc ta muốn làm điều gì đó cho ai đó nhưng ta lại không làm được chỉ còn cách ngồi chia sẻ, an ủi họ thôi. Vì tôi cũng chưa làm được gì cho gia đình mình. Đã rất nhiều lần về quê tôi đều nói về chuyện anh em ruột thịt, họ hàng gần xa, đặt câu hỏi với cha tôi rằng: Anh em trong họ hàng trừ anh em ruột thịt ra thì càng lâu về sau có còn nhớ đến nhau nữa không cha/mẹ? Rồi lại một cây – người ta thường gọi là Gia phả, được vẽ rộng ra, sâu hơn đến lúc ta không còn tìm thấy nó nữa hoặc rất hiếm khi gặp, nó chỉ được lưu lại trong gia đình của Trưởng Tộc. Ai nấy lại quay cuồng lo cho cuộc sống gia đình họ. Mãi…Mãi… thậm chí lại có người nào đó khai sinh sang họ khác ví dụ như họ Bùi Trọng lại rẽ sang Bùi Quang, Bùi Trung, Bùi khắc, Bùi Quốc… tự nhiên nó đã khác đi rất xa rồi.
Người sống, rồi lại chết đi để trở về với cát bụi. Về quê mà nghe mấy vụ kiểu như đột tử (5-6 trường hợp), ung thư, … đang cận kề cái chết. Đúng là chúng ta không quyết định được mạng sống của mình. Do vậy ngay giờ đây, chúng ta đang được sống- nói đúng hơn là đang hưởng thụ những gì đẹp nhất của Đất trời thì hãy cố gắng sống cho trọn, cho đẹp. Yêu thương nhiều hơn, chia sẽ, quan tâm nhiều hơn, đừng oán trách nhiều để cuộc sống có nhiều ý nghĩa. Tôi tâm đắc một câu nói của Steven Job rằng: “Hãy sống như thể ngày mai bạn chết. Hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ.” Cuộc sống còn muôn màu, còn đợi ta nhiều do vậy đừng ngồi đó mà lãng phí thời gian, hay oán hận số phận. Hãy đứng lên! Và hành động một cách mạnh mẽ, kiên trì và làm việc cật lực. Hãy tận hưởng cuộc sống theo cách của bạn.
by Bùi Ước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét